Dự án Eco Smart City Thủ Thiêm sau nhiều năm triển khai vẫn "bất động"

| 12-08-2020, 08:56 | Thị trường 24h

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,2 tỷ USD, dự án Eco Smart City Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM, nhưng nhiều năm qua dự án vẫn bất động.

Dự án Eco Smart City Thủ Thiêm sau nhiều năm triển khai vẫn "bất động"

Phối cảnh dự án Eco Smart City Thủ Thiêm

Ký quỹ 2.000 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai

Nói đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), giới kinh doanh bất động sản thường nhắc tới dự án Eco Smart City Thủ Thiêm do Công ty TNHH Lotte Asset Developmen (Công ty Lotte - Công ty con của Tập đoàn Lottte - Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với vốn đầu tư ban đầu được tính toán lên đến 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, vì những vướng mắc trong việc chỉ định thầu mà đến nay, dự án này vẫn đang còn nằm trên giấy.

Trong nhiều cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, đại diện chính quyền TP.HCM liên tục nêu lên kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, cho phép Công ty Lotte tiếp tục triển khai dự án theo hình thức chỉ định thầu để tránh nguy cơ ảnh hưởng hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tháng 3/2013, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Lotte tự bỏ chi phí lập đề xuất đầu tư dự án xây dựng khu phức hợp thông minh tại Thủ Thiêm. Sau đó, Công ty TNHH Lotte Asset Development đã trình, nộp hồ sơ nghiên cứu đề xuất phát triển dự án Thủ Thiêm Eco Smart City trên 12 lô đất rộng 12,5 ha của khu chức năng 2a. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 2,2 tỷ USD, với liên danh đầu tư gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte và 3 công ty Nhật Bản.

Đến tháng 1/2016, TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận liên danh 7 nhà đầu tư gồm: Lotte Asset Development, Lotte Shopping, Hotel Lotte, Lotte Engineering & Construction, Mitsubishi Corporation, Mitsubishi Estate và Toshiba Corporation thực hiện dự án, vì liên danh này đáp ứng yêu cầu năng lực tài chính, kinh nghiệm, khả năng huy động vốn. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Thành phố thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2013.

Trên thực tế, kể từ thời điểm TP.HCM công bố thông tin kêu gọi, thu hút đầu tư dự án, đến khi có văn bản kiến nghị Thủ tướng cũng chỉ có liên danh đầu tư Lotte và các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đủ năng lực tham gia dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, tháng 4/2016, UBND TP.HCM đã chỉ định liên danh Lotte và các đối tác thực hiện dự án Thủ Thiêm Eco Smart City.

Dù đã chỉ định được nhà đầu tư, nhưng khu chức năng 2a vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Đến nay, dự án phải thu hẹp quy mô diện tích còn khoảng 5 ha, tổng mức đầu tư dự án cũng được điều chỉnh giảm xuống 900 triệu USD. Liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án cũng rút xuống còn 4 nhà đầu tư Hàn Quốc gồm 4 công ty con của Lotte nêu trên.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao


Đến tháng 1/2017, UBND TP.HCM có văn bản chính thức chấp nhận liên danh 4 công ty con của Lotte là nhà đầu tư thực hiện dự án. Sau đó 6 tháng, 2 bên đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án. Liên danh này đã lập ra Công ty TNHH Lotte Properties HCMC để thực hiện dự án. Đồng thời, nhà đầu tư liên doanh này đã chấp nhận ký quỹ và đóng gần 2.000 tỷ đồng sử dụng đất để được giao trước 6 lô và cam kết sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật toàn Khu 2a để sớm hình thành khu trung tâm tài chính - ngân hàng, thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, theo Thông báo Kết luận thanh tra số 1041/TB-TTCP ngày 26/6/2019 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư là Tập đoàn Lotte là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đẩu thầu và Luật Đất đai.

Kiên trì kiến nghị… chỉ định nhà đầu tư

Trong buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính Phủ, Thành phố đã có báo cáo Thủ tướng và đề xuất 2 phương án giải quyết. Trong đó, phương án thứ nhất là thu hồi, tổ chức lựa chọn lại nhà đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành và phương án thứ hai là chấp thuận cho Công ty TNHH Lotte Properties HCMC tiếp tục triển khai dự án.

Đến ngày 17/4/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 279/BKHĐT-ĐTNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nêu ý kiến của các cơ quan và phân tích kỹ ưu nhược điểm của từng phương án. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến nhận định đa số các cơ quan đều cho rằng phương án 2 như để xuất của UBND Thành phố có nhiều ưu điểm, thuận lợi hơn phương án 1.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, căn cứ ý kiến của các bộ, ngành, UBND Thành phố nhận thấy về cơ bản các bộ, ngành và Thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến thống nhất việc tiếp tục cho phép Công ty TNHH Lotte Properties HCMC là nhà đầu tư dự án để tránh các tranh chấp pháp lý, gây bất lợi cho phía Việt Nam và có thể ảnh hưởng đển các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, về phương án xử lý thì chưa có sự thống nhất. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho nhà đầu tư làm theo phương án 2 và kiến nghị Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ rà soát để đảm bảo sự thống nhất trong nội dung Kết luận Thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26/6/2019 và Công văn số 151/TTCP-V.I ngày 6/2/2020 tạo căn cứ để xem xét, quyết định.

Còn phía Thanh tra Chính phủ thì cho rằng, việc cho làm tiếp cần phải có căn cứ pháp lý nên đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phương án vận dụng Điều 26, Luât Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 (lựa chọn Nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt).

Để giải quyết được các vướng mắc này, UBND TP.HCM cho rằng, trước đây, Thành phố tổ chức quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2020. Trong đó, tại khoản 3, Điều 11 có quy định rõ điều kiện để tổ chức đấu thầu là dự án không thuộc đối tượng đấu giá theo quy định của Luật Đất đai.

Theo ông Phong, tại thời điểm hiện nay, nếu tổ chức lại việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, kể cả trong trường hợp đặc biệ theo quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu, thì dự án không đủ điều kiện quy định theo khoản 3, Điều 11, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP vì khu đất đã được tổ chức giải phóng mặt bằng, nên phải tổ chức đấu giá theo Điều 119 Luật Đất đai. Tuy nhiên, tại điểm I, khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai có quy định các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao dất, cho thuê đất có quy định các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Vì vậy, UBND Thành phố tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư tiếp tục được đầu tư dự án Khu phức hợp thông minh trên cơ sở pháp lý được giao/thuê đất không thông qua đấu giá do đây là trường hợp đặc biệt, đã được Thành phố tổ chức thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư và được đa số các Bộ, ngành thống nhất chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện nhưng không thể tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các nội dung nêu tại Kết luận Thanh tra số 1041/TB-TTCP ngày 26/6/2019 của Thanh tra Chính phủ.

“Trường hợp những vướng mắc nêu trên được giải quyết, tháo gỡ sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2020 của Thành phố, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, kích thích đầu tư xã hội, giúp kinh tế thành phố sớm phục hồi sau tác động của dịch Covid-19”, ông Phong nhấn mạnh.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm