Lí giải lí do vì sao nhà đầu tư rút khỏi dự án Cầu Cát Lát

| 4-08-2020, 10:27 | Thị trường 24h

Cầu Cát Lái nối TP. HCM và Đồng Nai, một trong những dự án hạ tầng đặc biệt quan trọng vẫn chậm tiến độ do chưa tìm được nhà đầu tư.

Trong cuộc gặp với các doanh nghiệp thuộc CLB Bất động sản Việt Nam và CLB Bất động sản TP. HCM mới đây, ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã cho biết về tiến độ triển khai xây dựng cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch (Đồng Nai) với quận 2 (TP. HCM).

Theo đó, trong quy hoạch của thành phố Nhơn Trạch thì cầu Cát Lái sẽ được triển khai xây dựng sau 2025. Trong giai đoạn 2020 – 2025 tập trung làm tuyến cầu đường quận 9 nối với Nhơn Trạch.

Tuy nhiên thời gian qua do hiệu ứng từ việc sân bay Long Thành chuẩn bị khởi công xây dựng nên một số nhà đầu tư đặt vấn đề với tỉnh Đồng Nai làm cầu Cát Lái.

Nhà đầu tư đặt vấn đề làm cầu Cát Lái nhưng lại không tham gia nghiên cứu, họ đề xuất làm cầu độ tĩnh không bằng cầu Sài Gòn hiện tại.

Tuy nhiên, khi Sở Xây dựng tham gia nghiên cứu phát hiện nếu làm như vậy thì tàu chở container, hàng hóa không thể đi qua để vào Tân cảng ở TP. HCM được.

Vì vậy Sở Xây dựng đã đề xuất độ tĩnh không cầu Cát Lái phải 55m thì nhà đầu tư đã rút. Hiện Đồng Nai đang kêu gọi nhà đầu tư hợp tác làm cầu Cát Lái tuy nhiên tiến độ thực hiện cũng đang chậm.

Ông Dũng cũng cho biết, hiện nay một số nhà đầu tư bất động sản đưa thông tin xây dựng khu đô thị ở Phú Hữu để đón đầu cầu Cát Lái sau khi hoàn thành.

Nhưng khi nghiên cứu cây cầu độ tĩnh không 55m cộng với đường dẫn thì cầu Cát Lái sẽ xuống Đại Phước chứ không phải Phú Hữu. Lúc này Phú Hữu sẽ nằm dưới gầm cầu nên không thể làm đô thị như thông tin lan truyền như hiện nay.

Vị trí sẽ được xây dựng cầu Cát Lái trong tương lai

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai làm cầu dài 3.782m thay thế phà Cát Lái hiện tại, với tổng vốn đầu tư 7.200 tỷ đồng để nối huyện Nhơn Trạch với quận 2, TP. HCM.

Dự kiến cầu Cát Lái sẽ được khởi công vào năm 2020. Cầu Cát Lái có phần chính dài 650m, rộng 37,7m gồm 6 làn cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp.

Do công trình có tổng mức đầu tư lớn, trước đó Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho tách dự án thành 3 phần.

Phần đường dẫn phía quận 2 dài 623m sẽ do TP. HCM thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Phần đường dẫn tương tự phía Nhơn Trạch và phần cầu chính sẽ do Đồng Nai chịu trách nhiệm.

Nếu việc triển khai phần cầu chính theo hình thức BOT không khả thi sẽ tính toán làm theo phương án BOT kết hợp BT, dự kiến sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh này.

Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt với TP. HCM trong việc triển khai dự án đúng quy định về hình thức đầu tư và hạng mục công trình.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm