Trước khi bị khởi tố, Phó chủ tịch Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký duyệt các dự án nào?

| 16-07-2020, 13:45 | Thị trường 24h

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAGRI).

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với năm bị can.

Những bị can này gồm: ông Trần Vĩnh Tuyến, sinh năm 1965, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.HCM; ông Trần Trọng Tuấn, sinh năm 1969, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Tp.HCM (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM); Ông Phan Trường Sơn, sinh năm 1967, Phó Giám đốc Sở QH-KT Tp.HCM (nguyên Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM); Ông Trần Quốc Đạt, sinh năm 1963, Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM và ông Lê Tấn Hòa, sinh năm 1977, chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM.

Trước khi bị khởi tố, Phó chủ tịch Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký duyệt các dự án nào?

Nhiều cán bộ tại Tp.HCM bị khởi tố do liên quan đến sai phạm SAGRI


Liên quan đến vụ việc này, các bị can trên bị khởi tố vì đã vi phạm các quy định khi đồng ý cho SAGRI chuyển nhượng lại dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, Tp.HCM (dự án nhà ở Phước Long B) mà SAGRI làm chủ đầu tư. 

Sai phạm khủng tại dự án nhà ở Phước Long B 

Cụ thể, khu đất thực hiện dự án này diện tích hơn 3,6ha được UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển mục đích để xây dựng chung cư và SAGRI làm chủ đầu tư từ năm 2009. Trước đó, tháng 10-2008, SAGRI đã ký với Tổng công ty cổ phần Phong Phú hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Phước Long B. Trong đó tỉ lệ vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỉ lệ SAGRI 28% và Công ty Phong Phú 72%.

Tháng 6-2016, dự án được phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ gần 2 tháng sau SAGRI lại ký thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án với Công ty Phong Phú. Thực chất việc chuyển nhượng này là SAGRI chuyển nhượng 28% vốn góp - là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Công ty Phong Phú. 

Việc chuyển nhượng không qua đấu giá và không thẩm định để xác định giá thị trường là không đúng quy định tại Nghị định 91 năm 2015 (về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp). Tuy nhiên, khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI, tháng 11-2017, ông Trần Trọng Tuấn lúc đó là giám đốc Sở Xây dựng đã ký tờ trình gửi UBND TP khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chấp thuận cho SGARI chuyển nhượng dự án. 

Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú. 

Liên quan đến giá chuyển nhượng dự án này, Thanh tra TP cũng đã kết luận việc SAGRI chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú với giá khoảng 168,2 tỉ đồng, tương đương khoảng 10,5 triệu đồng/m2 là thấp hơn giá Công ty Phong Phú huy động vốn của khách hàng từ năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng dự án liền kề tại thời điểm chuyển nhượng dự án (hơn 29 triệu đồng/m2). Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP chấp thuận cho SAGRI hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án.

Nhập nhèm văn bản ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Võ Văn Hoan ký duyệt cho Hoa Lâm Shangri-La 

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến còn ký duyệt tại dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao của Tập đoàn Hoa Lâm. Khu Y tế Kỹ thuật cao là dự án từng được hưởng nhiều ưu đãi về thuê đất. Năm 2008, trong văn bản số 925/TTg-KGVX, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện Dự án, nếu phát sinh các nội dung cụ thể vượt thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân Thành phố tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Ngày 8/9/2017, UBND Tp.HCM có văn bản số 5594/UBND-DA, do Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến ký, trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị điều chỉnh mục tiêu dự án tại lô D2 và D3 – Khu y tế kỹ thuật cao, của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết đã có văn bản tham mưu UBND thành phố giao Thanh tra thành phố thực hiện việc thanh tra dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao của Hoa Lâm - Shangrila.


Được biết, ngày 10/3/2018, UBND Tp.HCM ra Quyết định số 950/QĐ-UBND và Quyết định số 951/QĐ-UBND, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở D2 và Khu nhà ở D3, tại Khu Y tế Kỹ thuật cao, do Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến ký.

Điều khiến dư luận băn khoăn là trong phần căn cứ để ra 2 Quyết định này, không có văn bản nào ghi nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mục tiêu dự án. Như vậy, phải chăng UBND Tp.HCM đã tự ý quyết định việc điều chỉnh mục tiêu dự án, mà không cần chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ?Không chỉ nhập nhèm trong việc điều chỉnh mục tiêu các lô đất trong Khu Y tế Kỹ thuật cao, mới đây, UBND Tp.HCM tiếp tục ra Quyết định điều chỉnh quy hoạch tại lô D2 và D3, nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi hành quyết định là 2 pháp nhân khác nhau.

Cụ thể, ngày 1/6/2020, UBND Tp.HCM ra Quyết định số 1906/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan ký, về duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu y tế kỹ thuật cao tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

Theo đó, vị trí khu vực điều chỉnh quy hoạch gồm Lô D2, D3 nằm trong ranh giới đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu y tế kỹ thuật cao. Cơ quan tổ chức lập đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La. Cũng theo nội dung văn bản, Giám đốc Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La có trách nhiệm thi hành quyết định này.

Điều lạ là trước đó, ngày 10/3/2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký 2 văn bản công nhận Công ty TNHH Hoa Lâm Shangri-La 5 (Shangri-La 5) và Công ty TNHH Hoa Lâm Shangri-La 6 (Shangri-La 6) làm chủ đầu tư 2 dự án tại các Lô D2, D3. Rõ ràng Công ty TNHH Hoa Lâm Shangri-La 5, Công ty TNHH Hoa Lâm Shangri-La 6 và Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La là 3 pháp nhân riêng.

Việc Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La lập đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án của 2 pháp nhân khác (Shangri-La 5 và Shangri-La 6) là chuyện khá hy hữu. Và câu chuyện UBND Tp.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án của Shangri-La 5 và Shangri-La 6 nhưng yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La có trách nhiệm thi hành quyết định này thì có khác gì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”?

Vượt quyền Thủ tướng tại dự án New City Thủ Thiêm

Nhiều sai phạm tại dự án Thủ Thiêm New City đã được các cơ quan báo chí đăng tải trước đó. Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt đã ký hợp đồng mua bán phần lớn căn hộ và bàn giao cho khách hàng, dù cho dự án chưa đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, sau nhiều thông tin phản ánh của báo chí, vẫn không thấy thông tin Sở Xây dựng xử phạt hành vi sai phạm này. Trong quá trình đầu tư phát triển dự án, chủ đầu tư đã được UBND TP ưu ái khi điều chỉnh phê duyệt.

Cụ thể, ngày 30/10/2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, về việc giải quyết dự án đầu tư xây dựng 1.330 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm.

Vượt quyền Thủ tướng tại dự án Thủ Thiêm New City


Văn bản cho biết, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Sở, ban ngành liên quan, UBND Tp.HCM đã chấp thuận phương án giải quyết quỹ căn hộ thuộc dự án 1.330 căn hộ như sau: “Đàm phán, thương thảo với chủ đầu tư để không tiếp tục việc thanh toán và mua lại quỹ nhà. Chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án theo quy hoạch, trên khu đất được giao mặt bằng với mục tiêu xây nhà ở thương mại. Thành phố sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, phù hợp mục đích sử dụng đất, để thu tiền sử dụng đất, đối với khu đất đã giao cho nhà đầu tư để thực hiện dự án”.

Văn bản do ông Trần Vĩnh Tuyến ký cũng cho rằng “Thành phố đang triển khai phương án giải quyết quỹ nhà 1.330 căn hộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại công văn số 24/TTg-CN, ngày 7/3/2017 và hướng dẫn của Bộ Xây dựng”.

Những ý kiến đề nghị của Bộ Tài Chính hay tham mưu của Sở Tư pháp Tp.HCM hoàn toàn không được nhắc đến trong văn bản.Đến giữa năm 2019, khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì những gì trong văn bản ông Trần Vĩnh Tuyến ký cho rằng “đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” lại trái Luật Đất đai. Điều đáng nói, đây là sai phạm đã được Sở Tư pháp Tp.HCM cảnh báo từ trước.

Con đường chuyển hoá ‘đất công’ thành dự án ngàn tỷ Charmington Iris 

Ngày 12/08/2016, dự án đã được UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 4140/QĐ-UBND. Dự án cũng được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 theo Văn bản số 4404/SQHKT-QHKTT ngày 27/09/2016 của Sở Quy hoạch Kiến trúc cho công ty Sabeco HP.

Tiếp đó, ngày 18/11/2016, UBND Tp.HCM ban hành quyết định thu hồi hơn 34.000m2 đất trước đây của MVG để giao cho Sabeco HP đầu tư hạ tầng toàn bộ khu vực theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời chấp thuận cho Sabeco HP sử dụng hơn 16.000m2 từ tổng diện tích đất thu hồi nói trên để đầu tư dự án trung tâm dịch vụ thương mại căn hộ theo quyết định số 6057/QĐ-UBND. Theo đó, khu đất có tổng diện tích hơn 1,6ha, được tính theo đơn giá hơn 23 triệu đồng/m2, tổng giá trị quyền sử dụng đất ở được duyệt chỉ hơn 384 tỷ đồng.

Giao “đất vàng” 76 Tôn Thất Thuyết giá “bèo”: Ngân sách thất thu, ai chịu trách nhiệm?


Đến ngày 01/09/2017, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký Quyết định số 4689/QĐ-UBND về duyệt Phương án giá đất theo giá thị trường đối với khu đất số 76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4 giá trị quyền sử dụng đất ở có tổng diện tích hơn 1,6ha với được duyệt là hơn 384 tỷ đồng, tương đương đơn giá đất là hơn 23 triệu đồng/m2.

Thời điểm này, dư luận dấy lên nghi vấn Sabeco HP có được ưu ái khi phê duyệt giá đất ở khu đất này với đơn giá chỉ 23 triệu đồng/m2? Tại sao khu đất không được giao không thông qua đấu giá? Liệu Nhà nước có bị thất thu ngân sách hay không? Trong khi đó, năm 2011 UBND Tp.HCM ban hành Công văn số 3029/UBND-ĐTMT về bổ sung đơn giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ trong dự án nâng cấp đô thị Thành phố số 2 trên địa bàn phường 16, phường 18, quận 4.

Đối với sự việc đất “vàng” 76 Tôn Thất Thuyết này, để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, cũng như chống thất thu lớn cho ngân sách ở Tp.HCM và nhiều tỉnh khác, tạo sự công khai, công bằng và minh bạch, đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xem xét, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã để ra sai phạm (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, giữ gìn kỷ cương, phép nước.

Cuối tháng 12/2018, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định thu hồi quyết định chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại dịch vụ căn hộ tại 76 Tôn Thất Thuyết (quận 4) của UBND thành phố ngày 12/8/2016. Qua đó, UBND thành phố yêu cầu rà soát nguồn gốc, cơ sở pháp lý của việc bố trí nhà cho 14 cá nhân còn cư ngụ trong khu đất 76 Tôn Thất Thuyết. Đến nay, dự án Charmington Iris đang được các cơ quan chức năng của Tp.HCM xem xét, rà soát lại hồ sơ pháp lý.

Tìm hiểu về Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP – chủ đầu tư dự án Charmington Iris cho thấy, mặc dù có vốn góp của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhưng vai trò sở hữu lớn lại thuộc về gia đình bà Nguyễn Thị Phước.

Cụ thể, Sabeco HP được thành lập năm 2016, đăng ký trụ sở chính ngay tại dự án Charmington Iris 76 Đường Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, Tp.HCM.Công ty Sabeco HP được thành lập bởi sự góp vốn của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), và Công ty TNHH Đầu tư thương mại du lịch Hiệp Phúc (Công ty Hiệp Phúc). Ban đầu vốn điều lệ của Sabeco HP là 305,332 tỷ đồng, trong đó Sabeco góp 79,386 tỷ đồng tương đương 26% vốn điều lệ, còn lại là Công ty Hiệp Phúc góp tới 225,945 tỷ đồng tương đương nắm giữ tỷ lệ sở hữu vượt trội là 74% vốn điều lệ. 

Sabeco HP hiện do bà Nguyễn Thị Phước là Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật. Đáng lưu ý xuất hiện là quan hệ sở hữu tại Công ty Hiệp Phúc – thành viên đóng góp 74% vốn điều lệ tại Sabeco HP. Bởi, đây là doanh nghiệp mang đậm tính chất gia đình do có sự góp vốn thành lập của bà Nguyễn Thị Phước và hai người con ruột là: Đỗ Biên Quốc và Đỗ Biên Thùy.

Theo đăng ký thay đổi ngày 04/07/2017 thì vốn điều lệ tại Công ty Hiệp Phúc có sự sụt giảm mạnh từ 320 tỷ đồng xuống còn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cá nhân trong gia đình bà Nguyễn Thị Phước thì không đổi.   

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm