Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được khởi công xây dựng vào ngày 23/9/2020

| 16-07-2020, 11:26 | Thị trường 24h

Cần Giờ là địa phương có tiềm năng du lịch sinh thái lớn vì sở hữu rừng ngập mặn riêng biệt gắn liền với chiến công của binh đoàn đặc công rừng Sác. KĐT lấn biển Cần Giờ sẽ giúp hiện thực hóa tiềm năng du lịch nơi đây.

Gắn với rừng là hệ thống sông cùng kênh rạch chằng chịt và hoang sơ. Biển có dạng một vịnh có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng. Với những lợi thế đó có thể tổ chức du lịch biển chất lượng cao nếu khắc phục được vùng nước nông lẫn phù sa ven bờ.

Từ năm 2000, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Cần Giờ và giao cho  một đơn vị thực hiện dự án xây dựng Khu Đô thị du lịch. Theo thông tin mới nhất, Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ vừa có văn bản gửi UBND TPHCM và nhiều đơn vị liên quan thông báo về thời điểm khởi công siêu dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Theo đó, đơn vị này xác định ngày 23/9/2020 tới đây sẽ chính thức khởi công dự án sau hơn 10 năm “ngủ yên”. Dự án Cần Giờ nay đã được Thủ tướng chính thức thông qua. Việc đánh giá tác động xã hội và đánh giá tác động môi trường ở mức độ nghiên cứu tiền khả thi cũng đã hoàn thành. 


Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 12/6 với mục tiêu xây dựng Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ khách sạn.

Dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư); còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô; đến năm 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007).

Quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn…



Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm