Doanh nhân Phạm Thị Hường được giao 16 lô "đất vàng" thần tốc trong 5 năm

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 19-06-2020, 18:13 | Thị trường 24h

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bà Phạm Thị Hường hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH TMDV BĐS Phú Phong, Chủ tịch HĐQT tại Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam. Theo thông kê, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp của bà Hường là các DN “thôn tính” đất nhà máy, xí nghiệp nhiều nhất ở Bình Dương.

Ba doanh nghiệp tư nhân này được cấp giấy phép kinh doanh lần lượt vào các năm 2006, 2013 và 2017. Cả ba công ty cùng đăng ký trụ sở lần lượt tại số nhà 18A, 18B, 18C đường Nguyễn Văn Tiết, Khu phố Bình Hòa, (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Số nhà 18C còn là địa chỉ của Công ty CP Phú Gia Khiêm Land, thành lập ngày 4/10/2018.  

Doanh nhân Phạm Thị Hường được giao 16 lô "đất vàng" thần tốc trong 5 năm

Khu đô thị Phú Hồng Khang - Phú Hồng Đạt có nguồn đốc đất là đất phi nông nghiệp, đất công nghiệp đã được đổi thành đất ở đô thị trái quy định

Được biết, từ năm 2015 đến nay, nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành các quyết định giao đất ít nhất 17 lần để làm các dự án nhà ở thương mại.

Chỉ trong vòng ba năm (năm 2017-2019), nhóm này đã được giao tới 500.000m2 đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở đô thị để làm dự án dưới dạng phân lô bán nền. Đây là thời điểm Bình Dương đề xuất thành lập Tp.Thuận An và Tp.Dĩ An (Quốc hội ra Nghị quyết chấp thuận vào cuối tháng 1/2020) khiến cho thị trường đất đai “sốt” sình sịch, giá đất tăng chóng mặt…

Có thể kể đến loạt 10 dự án khu nhà ở thương mại gắn với tên “Phú Hồng Thịnh” đã được UBND tỉnh Bình Dương giao tổng cộng 26,48 hecta đất, và cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị. Sau đó, doanh nghiệp đã “hô biến” thành hơn 1.900 lô đất nền.

“Độ vênh” lên hơn 2000 m2 đất tại dự án Phú Hồng Thịnh X theo Quyết định 939/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương (ngày 14/2/2018) cho thấy nhiều vấn đề cần làm rõ


Đáng chú ý, UBND tỉnh Bình Dương đã liên tục ban hành các quyết định khá “lạ” về thu hồi đất của nhiều doanh nghiệp khác, đồng thời giao lại đất và cho phép nhóm công ty của bà Phạm Thị Hường chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án nhà ở thương mại.

Tính riêng năm 2018 tỉnh Bình Dương đã giao cho bà Hường tới 8 khu đất thực hiện dự án bất động sản. Điều này, có nghĩa trung bình 45 ngày bà Hường được giao một khu đất. Đó là Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh VIII (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 7,3ha); Phú Hồng Thịnh IX (phường Bình An, Tp.Dĩ An, 4,7ha); Phú Hồng Thịnh X (phường Bình An, Tp.Dĩ An, 5,3 ha); Phú Hồng Khang (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 3,4ha); Phú Hồng Lộc (phường Thuận Giao, TP Thuận An, 2,5ha); Phú Gia Huy (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 3,7ha); Phú Hồng Đạt (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 3ha); Phú Hồng Phát (phường Thuận Giao, Tp.Thuận An, 2,7ha).

Công ty Phú Hồng Thịnh bàn giao sổ đỏ cho người dân tại dự án Phú Hồng Thịnh VIII


Năm 2019, bà Hường tiếp tục được UBND tỉnh Bình Dương giao 4 khu đất làm Khu nhà ở thương mại Phú Vinh (phường Tân Đông Hiệp, Tp.Dĩ An, 2,65 ha); Phú Huy (phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An, 1,1ha); Khu nhà ở chuyên gia Phú Uy Khang (phường An Phú, Tp.Thuận An, 0,84 ha); Phú Gia (phường Tân Đông Hiệp, Tp.Dĩ An, 2,65ha). 

Thậm chí, Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land thành lập ngày 4/10/2018, có cùng địa chỉ với 3 công ty của bà Hường, đã được UBND tỉnh Bình Dương giao 0,67 ha đất chỉ sau vài tháng ra đời. Đến tháng 3/2020, tỉnh đã cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị để xây Khu chung cư cao cấp Phú Hồng Thịnh tại phường An Phú, Tp.Thuận An theo quyết định số 739/QĐ-UBND.

Như vậy, theo thống kê ban đầu, chỉ trong ba năm, từ 2017-2019, ngay trước khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập Tp.Thuận An và Tp.Dĩ An (được nâng cấp lên từ hai thị xã có vị trí nằm sát cạnh TP. HCM - NV) vào cuối tháng 1/2020, bà Hường đã được UBND Bình Dương giao khoảng 500 ngàn mét vuông đất xây các khu nhà ở thương mại với trên 3.737 thửa đất.

Dư luận cho rằng, đây chỉ là những con số có thực trên giấy tờ. Còn trên thực địa cho thấy tổng số đất mà bà Hường có được, số lượng các lô đất gấp rất nhiều lần?.

Căn cứ Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, doanh nghiệp muốn Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thì buộc phải tuân theo hình thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất. Hơn nữa, Điều 22 và 23 Luật Nhà ở 2014 quy định muốn xây nhà ở thương mại để bán, chủ đầu tư phải “sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng”, hoặc “nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng”.

Kết luận số 250/KL-UBND ngày 15/11/1014 chỉ rõ sai phạm 09 khu đất do bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư. Đặc biệt nghiêm trọng 02 khu đất quy hoạch công viên cây xanh, giúp vị doanh nhân này hưởng lợi hơn 41 tỷ đồng.


Do đó, tất cả các dự án xây nhà ở thương mại của nhóm công ty Phú Hồng Thịnh và bà Phạm Thị Hường đều không có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, không nhận đất thông qua phương thức Nhà nước đấu giá đất…

Hơn nữa, nhiều lô đất công thuộc quản lý của UBND các phường Bình Chuẩn và Bình An cũng được giao cho doanh nghiệp tư nhân xây nhà ở thương mại, không thông qua đấu giá.

Những điều này làm dấy lên nghi vấn tỉnh Bình Dương có “ưu ái” giao quỹ đất rộng lớn, có giá trị thương mại cao cho nhóm doanh nghiệp tư nhân, bất chấp vi phạm quy định quản lý đất đai, nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng không?

Trong một ngày, DN của bà Phạm Thị Hường được chuyển đổi mục đích sử dụng 64 ngàn m2 đất trái pháp luật:

Dự án Phú Hồng Khang (phường Bình Chuẩn, Tx.Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng là một dự án điển hình có những dấu hiệu sai phạm:

Trùng mốc thời gian như ở dự án Phú Hồng Đạt, cùng trong một ngày 30/05/2018, bà Hường đồng thời nhận chuyển nhượng đất của hai đơn vị: 1. Công ty Thiên Phát hơn 22 ngàn m2 (8166m2 đất xây dựng công trình công nghiệp thuê của Nhà nước; 12.980m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh); 2. Công ty Trúc Lâm (4583m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh).

Ngày 03/07/2018, bà Hường ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 204m2 đất trồng cây của ông Nguyễn Văn Thành.

Ngày 16/07/2018, bà Hường cùng nhận chuyển nhượng của bà Hà Thị Hồng (3900m2 đất trồng cây); ông Nguyễn Văn Mía và bà Nguyễn Thị Sấm (1859m2 đất trồng cây lâu năm; 1000m2 đất trồng cây hàng năm). 

Đồng thời trong ngày 16/07/2018 này, Bình Dương có “văn bản xác nhận” giao 100,8m2 đất công do UBND phường Bình Chuẩn quản lý cho DN của bà Hường. 

Như vậy, tổng số đất bà Phạm Thị Hường nhận thông qua 08 hợp đồng chuyển nhượng và “văn bản giao đất” là 33.604,9m2 (sau này diện tích “nở” ra thành 34.500m2. Chưa rõ gần 900m2 “dôi ra” đến từ đâu?).

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm