Đưa sản phẩm gỗ nội thất lên sàn thương mại điện tử

| 6-04-2020, 13:06 | Nội thất

Lợi nhuận lớn từ TMĐT

Để quảng bá sản phẩm đến bạn hàng nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh khiến các sự kiện xúc tiến thương mại ngành hàng đồ gỗ nội thất không thể tổ chức, mới đây, Nội thất Nhà Xinh và một số DN khác thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) đã thử nghiệm mô hình TMĐT, kết hợp với thực tế ảo (Virtual Reality) để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.

Ứng dụng này cho phép người mua chỉ cần ngồi máy tính vẫn có thể xem được tất cả mẫu mã sản phẩm mà DN trưng bày, thậm chí tham quan nhà xưởng trên không gian 3D và có thể tương tác trực tiếp vào những sản phẩm mà mình quan tâm. Nhờ đó, DN không cần trực tiếp mang hàng hóa đến với bạn hàng mà vẫn có thể giới thiệu, quảng bá và XK sản phẩm.

Đưa sản phẩm gỗ nội thất lên sàn thương mại điện tử

Ứng dụng thương mại điện tử giúp gỡ khó cho doanh nghiệp đồ gỗ nội thất trong dịch Covid-19.

Quảng bá và xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT là giải pháp đang được các DN ngành nội thất gỗ đẩy mạnh triển khai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhờ đó, thời gian qua, trong khi kênh bán hàng offline gần như tê liệt thì tiêu thụ đồ nội thất qua kênh online của các nền tảng như Amazon, Wayfair, Shopify… vẫn tăng trưởng đều. Thống kê của nhà cung cấp dịch vụ Amazon tại Việt Nam – Công ty OnBrand, chỉ tính trong một tháng qua, lượng DN gỗ kết nối với OnBrand để bán hàng trên nền tảng Amazon đã tăng trưởng gấp năm lần.

Dịch Covid-19 lan rộng đã và đang tác động mạnh đến ngành gỗ XK, đặc biệt là đồ gỗ nội thất. Không chỉ đối diện với việc đơn hàng sụt giảm, DN đang phải đối diện với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10 – 20 USD/m3 do thiếu nhân công khai thác, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500 – 1.000 USD/container. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu, do đó các DN gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021.

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp

Thực tế, nhu cầu sản phẩm gỗ nội thất trên thị trường vẫn có và trong lúc nguồn cung từ Trung Quốc đang gián đoạn vì ảnh hưởng dịch Covid-19, các khách hàng lớn từ Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản… đang tìm kiếm những thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội cho các DN đồ gỗ Việt trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay. Chưa kể, dự báo, nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất sẽ hồi phục rất nhanh chóng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Thời gian qua, ít đi ra ngoài và dành phần lớn thời gian ở nhà, người dân sẽ có nhu cầu chăm chút cho tổ ẩm, sửa sang lại không gian sống của gia đình.

Hiện nay, các sự kiện xúc tiến thương mại, trong đó có các hội chợ, triển lãm đồ gỗ ở nước ngoài đang bị dừng lại do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, việc lựa chọn một phương thức xúc tiến thương mại khác ngày càng trở nên cấp thiết. Trong đó, xúc tiến thương mại qua TMĐT là một trong những giải pháp được tính đến vì vừa giúp DN kết nối với bạn hàng, vừa giảm giá thành sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh. Chỉ với một kênh thương mại điện tử, sản phẩm của Việt Nam có thể giới thiệu sản phẩm tới các đối tác, khách hàng trên toàn cầu, thay vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức đi tiếp cận từng khách hàng, từng thị trường.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho rằng, để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, các DN vẫn phải tiếp tục đổi mới và tư duy lại mô hình sản xuất. Đặc biệt cần lưu tâm đến nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn đến công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng hóa… Kinh doanh online cũng đang là một xu thế bắt đầu lan dần vào ngành gỗ nội thất làm thay đổi nhanh chóng cách thức thiết kế sản phẩm và cách sản xuất sản phẩm.

Nắm bắt được điều này, mới đây, HAWA, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với các DN công nghệ trong và ngoài nước nhằm chuyển đổi số và thúc đẩy bán hàng qua kênh TMĐT. Trong thỏa thuận này, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) sẽ hỗ trợ kết nối hợp tác các hội viên của HAWA với các nền tảng TMĐT như Amazon, Wayfair, Shopify… hoặc các trung gian bán hàng trên các nền tảng TMĐT, từ đó đẩy xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, hiện đa phần DN gỗ Việt Nam chỉ gia công theo đơn đặt hàng của nước ngoài nên lợi nhuận thu được chỉ ở mức thấp. Nếu muốn thoát thân phận gia công, lấy được giá trị thặng dư cao hơn, DN cần phải tổ chức được khâu thiết kế, quảng bá vào hệ thống phân phối toàn cầu. Sự hiện diện của các sàn giao dịch cả B2C (từ DN tới khách hàng) lẫn B2B (DN tới DN) đều đã có sẵn khiến TMĐT có thể hỗ trợ DN quảng bá đến nhiều khách hàng trên thế giới một cách nhanh chóng và tiện lợi. Còn lại, DN chỉ cần đầu tư nghiêm túc khâu thiết kế và công tác quảng bá là đã có thể cắt được khâu trung gian, nâng cao giá trị thặng dư cho chính mình.

Tuy nhiên, cùng với việc phát triển kênh bán hàng online, DN cũng được khuyến cáo cần đầu tư cho showroom, nhà xưởng, công nghệ để sản xuất các sản phẩm chất lượng, tiện lợi đến người tiêu dùng. Các ứng dụng công nghệ và trải nghiệm online chỉ giúp thu hút khách hàng đến, còn yếu tố quyết định lại nằm ở chính thực lực của DN.

Thực tế, thời gian qua, việc kinh doanh qua TMĐT vẫn tiềm ẩn những rủi ro do hàng hóa khách hàng nhận được không giống hoàn toàn với hàng trưng bày. Do đó, để bán được hàng ngay lập tức, DN cần đẩy mạnh quảng bá. Còn để bán được hàng lâu dài, DN cần duy trì chất lượng và uy tín.

VLXD.org (TH/ Nhân dân)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm