4 bà mẹ chia sẻ lời khuyên về thiết kế phòng chơi cho trẻ có nhu cầu đặc biệt

| 3-07-2020, 11:00 | Nội thất

Một khu vui chơi chuyên dụng hoặc phòng chơi trong nhà sẽ cho con bạn cơ hội để xây dựng những kỹ năng này. Một không gian như vậy có thể đặc biệt quan trọng nếu bạn có một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, ADHD (rối loạn tăng động) hoặc các khác biệt phát triển khác. Đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, một khu vui chơi có thể trở thành thế giới riêng của chúng – một nơi an toàn để chúng thỏa sức khám phá, phát triển trí tưởng tượng vô biên.

Dưới đây là những lời khuyên về thiết kế phòng chơi của 4 bà mẹ nuôi dạy những đứa trẻ đặc biệt.

Rachel Fox Kipput, Arkansas

Con gái tôi Eva vừa tròn tám tuổi, Elsie lên sáu, còn con trai tôi Ethan lên ba. Eva sinh ra với hội chứng Down và khuyết tật tim bẩm sinh. Khi bài trí và thiết kế nhà, vợ chồng tôi suốt những năm qua đều chuộng phong cách “less is more”.

Mỗi ngày trôi qua, ngôi nhà của tôi càng trở nên tối giản hơn với nhiều không gian cho trẻ vui đùa thỏa thích. Khi Eva còn nhỏ, chúng tôi thấy con dễ dàng nản lòng và choáng ngợp bởi quá nhiều lựa chọn trong nhà, trường học hay đồ chơi. Chúng tôi quyết định đựng đồ chơi, vật dụng trong giỏ, chỉ để lại một vài món cho bé chơi suốt cả ngày. Khi đó, Eva thực sự mới bắt đầu tham gia chơi và không có nước mắt.

Khi Eva vào trường mầm non, chúng tôi vẫn thấy rằng có quá nhiều món đồ lấn át Eva và sau một ngày dài ở trường, cô bé đã kiệt sức và bị kích thích thái quá. Khi con tròn 4 tuổi, chúng tôi bắt đầu tạo ra không gian vui chơi riêng tư, một nơi mà Eva có thể thoải mái đi xung quanh, chọn lấy một vài cuốn sách hay món đồ chơi tùy thích. Tôi nhận thấy, không gian tối giản, đảm bảo sự yên tĩnh, riêng tư nhất định cũng rất tốt với những đứa trẻ bình thường khác.

Ngay bây giờ những đứa trẻ của tôi (đặc biệt là Eva) thích những chiếc ghế xoay tulip. Chúng sử dụng ghế khi thư giãn với máy tính bảng hay đọc hoặc học chữ số. Eva không phải là một “fan” hâm mộ của vật lý trị liệu tại nhà, nhưng thật tuyệt khi bé đang làm điều đó với sự giúp đỡ của một chiếc ghế Ergo. Bác sĩ, chuyên gia khuyến khích Eva sử dụng những thứ này nhiều nhất có thể bởi không phải lúc nào bé cũng hợp tác với vật lý trị liệu. Con cũng thích những tấm thảm lông mịn, mềm mại, đặc biệt là chất liệu da bò giả.

Nội thất làm bằng chất liệu mềm mịn, an toàn là lựa chọn lý tưởng khi thiết kế phòng chơi, phòng ngủ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Để đưa ra một lời khuyên về việc thiết kế không gian vui chơi cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, tôi sẽ nói…


Chúng tôi nhận lại rất nhiều lợi ích khi bài trí theo phong cách tối giản. Tạo ra các không gian đa năng, linh hoạt, đa mục đích là vấn đề rất quan trọng.


Hãy xác định rõ con của bạn giỏi về cái gì? Bé thích làm gì? Từ đó, tạo không gian khuyến khích trẻ thể hiện tài năng, sở thích hoặc tạo không gian yên tĩnh, riêng tư để con tập trung “công việc” của mình.


Amanda Booth, Seattle

Micah – con trai 5 tuổi của chúng tôi, người mắc hội chứng Down và tự kỷ. Chúng tôi mới chuyển đến nhà mới và chỉ mới bắt đầu thiết kế, bài trí trong phòng của cậu bé. Điều mà chúng tôi coi trọng nhất là tổ chức. Micah chắc chắn muốn biết đồ chơi của mình để ở đâu. Vì thế, chúng tôi muốn giữ cho mọi thứ đơn giản, ấm cúng với nội thất làm từ chất liệu mềm mại, thân thiện với trẻ. Micah rất thích chạy nhảy xung quanh và leo núi.

Chúng tôi đã thực sự yêu công ty đồ chơi Lovevery. Họ tạo ra các hộp đồ chơi dựa trên sự phát triển của trẻ và điều đó khiến cho việc tìm kiếm những đồ chơi mà Micah quan tâm trở nên đơn giản hơn. Tôi phân loại từng thùng đựng đồ chơi cụ thể (âm nhạc, nghệ thuật, xe hơi, đồ chơi cảm giác) để con biết rõ nơi cất hoặc lấy chúng khi cần. Micah sẽ rất thất vọng nếu có điều gì đó mà cậu ấy muốn nhưng lại không thể giao tiếp với chúng tôi. Tôi hoàn toàn hiểu điều đó thật khó khăn!

Để đưa ra một lời khuyên về việc thiết kế không gian vui chơi cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, tôi sẽ nói…


Tạo ra một không gian mà trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, được truyền cảm hứng.


Tôi thích ý tưởng có các góc cụ thể: Một nơi để xả stress, một nơi để bình tĩnh và đọc sách, nơi ngồi và làm các câu đố. Nên bố trí càng cụ thể, càng dễ hiểu để những đứa trẻ của bạn biết được.


Thay vì một không gian phòng quá nhiều đồ chơi, chúng tôi muốn giữ một số thứ trong tủ và luân phiên thay đổi chúng. Bằng cách này, Micah có thể cảm thấy mình luôn có một món đồ mới thường xuyên.


Elena Fong, California

Con gái tôi, Wynter ba tuổi và là một học sinh mầm non rất đáng yêu, vui nhộn và phong cách. Bé cũng mắc hội chứng Down. Với bác sĩ, đó là sự chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi Wynter lần đầu tiên tiếp xúc với các nhà trị liệu khác nhau, tôi đã chú ý đến cách họ giao tiếp với bé. Thật thú vị khi xem cách họ sử dụng nhà của chúng tôi trong các buổi trị liệu và cả cách họ tham gia cùng Wynter. Điều này mang đến cho chúng tôi kiến thức tốt nhất về những gì mà chúng ta cần phải làm và làm như thế nào để tạo ra một không gian phòng chơi hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Wynter thích chơi diễn kịch, chơi đồ hàng, vì thế tôi đã thiết kế một nhà bếp nhỏ, nơi bé có thể giả vờ nấu ăn. Gần đây, Wynter có một chiếc ghế cao cho búp bê của mình và con thích làm đồ ăn cho búp bê. Đó là điều ngọt ngào nhất tôi được chứng kiến.

Con trai tôi, Nova 2 tuổi là một đứa trẻ rất năng động, có xu hướng tăng động. Tuy nhiên, so với Wynter, cậu bé tiến bộ hơn về mặt thể chất. Khi anh ấy cần chạy, nhảy và vẫy tay ra, chúng tôi chủ yếu ra ngoài, dù ở sân sau hay trước nhà.

Ngôi nhà của chúng tôi có diện tích khiêm tốn nên không có một phòng chơi riêng cho các con. Do đó, không gian phòng khách hoặc phòng ăn đều có thể trở thành phòng chơi của trẻ. Tôi sử dụng nội thất và màu sơn tường trung tính nhằm tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn.

Để đưa ra một lời khuyên về việc thiết kế không gian vui chơi cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, tôi sẽ nói…


Hãy chu đáo và cố gắng vì lợi ích của trẻ càng nhiều càng tốt.


Xem xét khả năng tiếp cận. Đồ nội thất, bề mặt của tủ kệ lưu trữ cần đảm bảo con bạn dễ dàng tiếp cận nhất.


Hãy sử dụng những gì bạn có và sáng tạo. Đó là điều tôi sớm học được từ các nhà trị liệu của Wynter. Chúng tôi đã sử dụng ghế ăn như một món đồ chơi đẩy khi bé đang đi bộ. Chúng tôi tạo mọi điều kiện để trẻ có thể thực hành các kỹ năng vận động tinh của mình. Thậm chí, những hạt đậu trong phòng bếp cũng có thể trở thành đồ chơi kích thích giác quan của bé.


Donna Duarte Ladd, Brooklyn

Con trai tôi Mateo, 4 tuổi, bị rối loạn phổ Tự kỷ. Chúng tôi đã trang trí phòng chơi theo phản hồi từ các giáo viên của bé. Thêm các trò chơi tương tự mà trẻ bị hấp dẫn ở trường là điều rất quan trọng đối với bé mắc chứng bệnh này.

Trong phòng sinh hoạt chung của gia đình, chúng tôi lắp một chiếc võng. Con trai tôi đặc biệt thích nó và thường xuyên nằm thư giãn, ngủ nghỉ trong đó. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, chiếc võng trở thành “cứu cánh” của chúng tôi. Mateo không hề cảm thấy nhàm chán khi ở nhà cùng bố mẹ.

Để đưa ra một lời khuyên về việc thiết kế không gian vui chơi cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, tôi sẽ nói…


Hãy lấy tín hiệu từ các chuyên gia. Tôi thường xuyên nhận lời khuyên từ các nhà trị liệu và giáo viên của con trai. Nếu nhà trị liệu đề cập đến một món đồ chơi hoặc sản phẩm mà bé đang thích thú hay đang giúp trẻ phát triển, tôi sẽ mua nó.


Cố gắng vượt qua những gì bạn muốn. Đồ chơi bằng nhựa phát sáng, phát nhạc có thể gây phiền nhiễu, nhưng nếu điều này làm cho bé vui vẻ, hãy đưa nó vào phòng chơi. Nó rất cần thiết cho trẻ có nhu cầu đặc biệt để phát triển xã hội và trí tuệ.


 

Lam Giang 

> Mẫu phòng chơi gác mái thú vị khiến bé không nỡ rời bước

> Đây rồi 20 ý tưởng bài trí phòng chơi cho trẻ thời dịch Covid-19

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm