Những cách đơn giản làm giảm ô nhiễm không khí trong nhà

| 12-10-2019, 13:54 | Khám phá - Trải nghiệm

Những cách đơn giản làm giảm ô nhiễm không khí trong nhà
Những cách đơn giản làm giảm ô nhiễm không khí trong nhà

Ô nhiễm không khí trong nhà và cách nhận biết

Không ít người lo lắng về các tác nhân ô nhiễm như khói bụi ngoài môi trường. Nhưng ô nhiễm không khí trong nhà cũng có thể gây nên các bệnh về hô hấp, dị ứng, nhất là với đối tượng thường dành nhiều thời gian trong nhà như trẻ em, người cao tuổi. Theo nghiên cứu về sự phơi nhiễm của con người đối với các chất ô nhiễm trong không khí của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA- Environmental Protection Agency, nồng độ các chất ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao hơn 2-5 lần, đôi khi 100 lần so với nồng độ ngoài trời.

Theo Thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh, sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong số các tác nhân sinh học gây ô nhiễm trong nhà, đáng chú ý nhất phải kể đến nấm mốc, một trong những nguyên nhân chính gây dị ứng, hen suyễn, khó thở…

Có một số cách giúp bạn nhận biết ô nhiễm không khí trong nhà. Đó là thông qua tần suất và mức độ mắc các bệnh như dị ứng, khó thở, sổ mũi, xoang, hen suyễn... Nếu gia đình có người mắc các chứng bệnh này, bạn nên kiểm tra chất lượng không khí trong nhà.

Ô nhiễm không khí trong nhà sẽ dễ khiến các thành viên mắc các bệnh về đường hô hấp

Bạn cũng có thể sử dụng máy đo chất lượng không khí cầm tay để theo dõi thông qua chỉ số PM2.5. Hạt PM2.5 là những hạt nhỏ lơ lửng trong không khí, có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các gia đình có thể sử dụng hệ thống lọc không khí, đặc biệt hệ thống có chức năng cảm biến bụi để kiểm tra hàm lượng hạt bẩn trong không khí. Đây cũng có thể là tiêu chí giúp chọn lựa các sản phẩm tích hợp hệ thống cảm biến bụi sử dụng trong gia đình.

Cách đơn giản làm giảm ô nhiễm không khí tại nhà

Mặc dù ô nhiễm không khí trong nhà là không thể tránh khỏi, nhưng có rất nhiều cách để làm giảm thiểu được lượng khí gây ô nhiễm:

1. Mở cửa sổ để tăng cường sự lưu thông gió. Nếu bạn đang nấu ăn thì việc sử dụng quạt hút khí là điều rất quan trọng, bởi nếu không mức nitrogen dioxide (NO2) rất có thể vượt quá mức ô nhiễm trên đường phố.

2. Không hút thuốc hay đốt nến trong nhà. Nếu nhà bạn sử dụng một lò sưởi đốt củi, hãy đảm bảo rằng nó được trang bị và sử dụng đúng cách. Ngoài ra, hãy cài đặt thêm hệ thống dò khí carbon monoxide (CO) bởi khí carbon monoxide được xem là "sát thủ thầm lặng" dẫn đến tử vong.

3. Dùng các loại sàn có bề mặt cứng để dễ dàng lau chùi. Bạn cũng nên sử dụng các loại thảm vải đặc biệt có thể giúp các bụi bẩn và lông của vật nuôi bám vào thảm và không quay trở lại không khí, làm ô nhiễm không khí trong nhà.

4. Giữ độ ẩm trong nhà khoảng từ 30% đến 50%, luôn đảm bảo rằng sự lưu thông gió thích hợp với những nơi ẩm ướt như phòng tắm. Điều này giúp ngăn chặn nấm mốc - có liên quan đến các triệu chứng về đường hô hấp, và cũng là một trong những tác nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí trong nhà.

Trồng cây xanh có tác dụng lọc khí trong nhà

5. Sử dụng thảm chùi chân tại bậc thềm cửa để các thành viên hoặc khách ghé thăm làm sạch giày hoặc chân trước khi vào nhà. Bạn cũng nên bố trí một kệ giày ở gần cửa ra vào. Tuy vậy, phải vệ sinh khu vực này thường xuyên để tránh bám bụi bẩn cũng như ẩm mốc.

6. Giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm làm sạch hoặc khử mùi không khí bằng các thành phần hoá học tạo hương, đặc biệt là những loại có chứa limonene (giúp tạo mùi cam chanh quýt cho không gian). Sử dụng các chất hoá học này không làm giảm sự ô nhiễm không khí trong nhà, mà còn có nguy cơ góp phần làm nó trầm trọng hơn.

7. Trồng một số cây thực vật có tác dụng lọc khí tốt trong nhà. NASA cùng trường Đại học York của BBC đã nghiên cứu rằng các loại cây thực vật có thể làm giảm nồng độ hợp chất hữu cơ formaldehyde trong nhà. Bạn có thể trồng các loại cây như nha đam, trầu không… vì tác dụng lọc khí của nó.

MuaBanNhaDat theo TBKD

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm