Cúng lễ đầu năm sao cho đúng?

| 9-03-2019, 07:00 | Phong thuỷ

Cúng lễ đầu năm sao cho đúng?


Biến tướng trong việc cúng lễ

Trước tình trạng nhiều chùa tổ chức dâng sao giải hạn, người dân chen lấn tham gia, dẫn đến nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng tới giao thông, vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có công văn nêu rõ, đây là sự biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi. Cục cũng đề nghị các địa phương cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.

Tin rằng dâng sao, giải hạn sẽ giúp bản thân và gia đình có một năm may mắn, tránh khỏi được những điều đen đủi, nhiều người dân đã thức khuya, dậy sớm chỉ để chen chân, kiếm được một chỗ ngồi tại các khoa lễ. Tình trạng người dân ngồi tràn ra đường để tham gia các khoa lễ đã khiến cho hoạt động này không chỉ là sự biến tướng, trục lợi, mà còn ảnh hưởng đến trật tự tại nhiều khu vực.

Trong số này, Báo Đầu tư Bất động sản sẽ cùng bạn đọc nhìn nhận về việc lễ bái và nhận diện chân dung của những người hành nghề này.

Những ngày đầu Xuân, nhiều người giữ thói quen đi lễ xin tài lộc và công danh cho năm mới. Người thì tự mình đi lễ hoặc rủ nhau đi theo đoàn, người cầu kỳ hơn thì đi lễ sẽ mời thầy cúng đi cùng, hoặc nhờ thầy bản tự lễ cho. Vậy, nhờ thầy ra sao, lễ sao cho đúng?

Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Phó Viện trưởng Viện Lý học phương Đông, hàng năm gia đình nào cũng có việc phải nhờ đến thầy cúng. Nhưng thầy cúng thế nào mới là thầy cúng giỏi và làm sao để phân biệt được giỏi thật hay giả lại là điều không dễ.

Theo ông Trà, người thầy cúng giỏi phải là thầy dù không cần cúng bái hay lên hương cũng có thể soi chính xác về một người hay người nhà người đó, hoặc nói đúng về phần mộ gia đình. Đó là người thầy ở cấp độ cao nhất. Cấp độ tiếp theo là phải vào khoa lễ, khi có sự linh ứng thì có thể soi được, dù là cúng tại nhà hay tại bất kể nơi đâu. Cấp độ thấp hơn nữa là người thầy chỉ có thể soi cho mọi người tại điện của thầy.


Theo kiến trúc sư Hoàng Trà, nếu người thầy chỉ đọc các bài cúng theo sách và theo sớ chỉ là người thầy thông thường. Sở dĩ họ được hành nghề và được mời làm lễ cúng, vì họ biết các bài cúng, đọc bài nào trước và bài nào sau, biết khoa lễ nào thì mua đồ gì. Những người thầy kiểu này chỉ có chức năng "kêu thay lạy đỡ" cho gia chủ mà thôi.

Kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà cũng phân loại các người thầy cúng trên thành 3 nhóm:

Thứ nhất là người thầy cúng hành đạo, thứ hai là người thầy cúng hành nghề, cấp thứ ba là người thầy cúng hành giá (buôn thần, bán thánh với mục đích trục lợi). Ông Trà cũng đưa ra những dấu hiệu nhận biết (sơ bộ), để mọi người “nhận diện” người thầy cúng.

Theo đó, người thầy cúng hành đạo là người không bao giờ đưa ra giá cả khi mọi người mời đến cúng, hoặc đến điện thờ của thầy cúng không bao giờ quy định mỗi lần cúng là bao nhiêu tiền. Khi phải làm khoa lễ, thầy sẽ hướng dẫn và liệt kê các đồ lễ mà gia chủ phải mua, rồi tự gia đình đi sắm, có nhiều người bận công việc mà nhờ thầy mua thì có khi thầy cũng từ chối. Trường hợp nếu có mua đồ giúp, thì họ cũng không ăn gian tiền. Và thường, với người thầy giỏi và đẳng cấp thì họ không có thời gian để đi mua đồ giúp. Cùng lắm là chỉ chỗ cho những người chưa biết nơi mua đồ.

Với người thầy hành nghề, dễ nhận biết nhất là ở các đơn giá cụ thể theo từng khoa cúng, cúng thời gian dài ngắn khác nhau và đi xa hay đi gần thì giá cả cúng khác nhau. Người thầy hành nghề cũng rất dễ chuyển sang thành người thầy hành giá. Đến nhà nghèo cũng phải lấy đủ số tiền quy định, còn khi đến nhà giàu thì lại phát khởi tâm tham và nghĩ cách lấy thêm tiền, rồi nhanh chóng thành thầy hành giá.

So sánh vui, kiến trúc sư Hoàng Trà cho rằng, người thầy cúng được hiểu là giống như những người đi làm thay thủ tục hành chính, nếu chúng ta không trân trọng thì gọi là cò, cũng như trên thực tế có cò dự án, cò sổ đỏ, cò đất... Vì nhiều người không hiểu biết về luật, không thông thạo về việc chuẩn bị giấy tờ, không giỏi về các điều khoản khi làm hợp đồng… nên phải nhờ người tư vấn và làm thay thủ tục.

Hiểu đúng về việc cúng lễ

Hiện nay, khi đến các nơi thờ tự lớn hay có nhiều người bắt chuyện và đề nghị cúng và kêu thay lạy đỡ cho mọi người. Nhưng việc đó cũng không cần thiết và không nên, nhiều nơi ban quản lý đã lựa chọn và sắp đặt các thầy viết sớ và có thể cúng cho mọi người, thì nên nhờ các thầy đó. Còn không thì tự mình lễ lấy, nếu không biết khấn như thế nào thì ra hỏi các cụ Từ sẽ chỉ cho bạn, quan trọng vẫn là cái tâm, cho nên mới mới gọi là tâm linh.

Nhiều người thường lựa chọn các địa điểm danh tiếng đến lễ, với lòng tin rằng sự linh thiêng sẽ nhiều hơn. Nhưng chùa, đình, đền làng mình, nơi mình sinh sống lại không tới, thì cũng chưa phải là tròn trịa. Hơn nữa, với cảnh chen lấn mãi mà không vào đến ban thờ mà lễ lạy, rồi lại đặt lễ từ xa rồi cúng bái, như vậy đâu có ý nghĩa.

Những nơi có thể vào đặt lễ thì nhiều người bằng mọi giá phải đặt lễ vào trong cung cấm, rồi vào cung cấm lại đứng lễ phật, thánh thì cũng chẳng có giá trị gì. Khi đặt lễ có thể đặt ở Ban Công đồng hoặc Ban thờ của Ngài ngự ở bản tự là chuẩn, còn đã gọi là cung cấm thì phải là người hữu duyên mới vào, chứ không duyên mà vào chưa chắc đã tốt.

Việc hóa thật nhiều tiền vàng, đồ mã như ô tô, xe máy, thậm chí máy bay, điện thoại… cũng không tốt. Bởi theo quan niệm dân gian, trần sao âm vậy, chúng ta có đi làm thủ tục ở cơ quan nhà nước, khi đóng các khoản phí mà đóng nhiều lên cũng không đúng luật và chẳng ai dám thu. Cũng như vậy, đồ lễ và vàng mã phải tùy từng nơi, chứ không phải đến nơi nào cũng đốt thật nhiều và mã thật to.

Giải thích về vai trò của việc thực hiện các khoa cúng, lễ, chuyên gia cho rằng, không phải việc gì cúng bái cũng giải quyết được vấn đề. Phân định việc nào cần phải làm gì thì đối với người dân vô cùng khó, đối với các thầy không có khả năng tâm linh thì cũng chẳng khác gì người thường. Trên thực tế, số lượng thầy có khả năng tâm linh cũng không nhiều, nhưng khi có khả năng tâm linh thì người thầy cũng dễ bị các yếu tố lôi kéo mà tâm bị thay đổi.

“Chúng ta nên biết rằng, cúng bái là một nghi lễ, là sự ứng xử của người trần với tâm linh, bao giờ cũng trọn vẹn cả hai phần là nghi và lễ, nhưng hiện nay đa phần trú trọng phần “nghi”, phần “lễ” thì chưa tròn; nhiều chỗ còn nặng về hình thức và vật chất. Mọi người còn chưa giác ngộ từ “tâm linh”, nhiều người tâm không thành thì không nên cúng lễ, bởi “linh tại ngã và bất linh tại ngã”.

Theo ông Trà, dù là thầy ở lĩnh vực nào, cũng nên vận hành trên nền khoa học phương Đông, rồi đi sâu vào phương pháp chuyển nghiệp và giải nghiệp. Nhưng chúng ta nên nhớ, không phải lúc nào cũng giải được ngay, mà phải đến duyên.

Quan trọng là chọn ra phương pháp hóa giải, để rồi viết cho lòng tin cho trăm họ, với mục đích mang đạo nhập thế, giúp cho cuộc sống tròn trịa. Chúng ta cần hiểu rằng, một thầy không giỏi hết và các thầy liên tục học để hoàn thiện, tịnh hóa thân tâm càng cao thì quyền năng càng hiện hữu bấy nhiêu.

Thành Nguyễn


Báo Đầu tư Bất động sản
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm