Thiết kế kiến trúc nhà ở theo phong thủy cần những bước nào?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 9-03-2020, 06:53 | Phong thuỷ

Thiết kế kiến trúc nhà ở theo phong thủy cần những bước nào?

Hiện nay, phần lớn chúng ta xây nhà đều phải thiết kế kiến trúc và mời thầy phong thủy xem đất và án ngữ phong thủy cho toàn bộ ngôi nhà, từ chi tiết cho tới tổng thể. Không ít những bất cập đã phát sinh trong quá trình kiến trúc sư làm việc với thầy phong thủy. Thậm chí, nhà xây xong rồi mới xem phong thủy thì còn gặp nhiều bất cập hơn.

Ở bài báo này, Báo Đầu tư Bất động sản cùng đồng hành với kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc xây dựng dân dụng Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông để hiểu rõ về quá trình thiết kế kiến trúc cho một căn nhà.

1. Xem hướng đất và kiểm tra hiện trường

Địa thế đất phải được xem xét kỹ, có ao hồ hay sông suối không (là thủy chấn), có đồi núi và nhà ở xung quanh không (là thổ chấn). Hơn nữa, phải xem xét đất có mồ mả hay có vong không, xem đất có thịnh về đường âm hay không, đất phù hợp với nhà ở hay văn phòng công ty hoặc hợp với làm xưởng sản xuất hay làm buôn bán.

Đo hướng đất phải đo chính xác số độ, không chỉ đơn thuần là các hướng Bắc - Đông Bắc - Đông - Đông Nam - Nam - Tây Nam - Tây - Tây Bắc, bởi khi tính phong thủy, ngoài 8 hướng còn tính 24 sơn, rồi tính đến 72 long.

2. Tiếp nhận nhiệm vụ thiết kế, nắm bắt nhu cầu và mong muốn của Gia chủ

Trước khi bắt tay vào thiết kế, kiến trúc sư phải tìm hiểu rõ nhu cầu của gia chủ. Cụ thể:

- Nhà xây mấy tầng, mỗi tầng bao nhiêu m2.

- Mỗi tầng bao nhiêu phòng, diện tích tạm tính từng phòng.

- Nhà có mấy ô tô, để trong gara hay ngoài, bao nhiêu xe máy và dự định để đâu.

- Tổng mức đầu tư khoảng bao nhiêu tiền.

- Năm tháng ngày giờ sinh của từng thành viên trong gia đình. Khi đặt phong thủy không chỉ dùng màu sắc và phương vị theo mệnh theo năm sinh, mà còn phải tính theo lá số tứ trụ, sao cho hợp với tất cả các trường phái, để chủ nhà không phải lo lắng khi các thầy theo trường phái phong thủy khác nhau, đưa ra những ý kiến khác nhau.

3. Tính toán phong thủy theo địa thế, tính vận khí của lô đất theo các thời vận và tuổi chủ nhà để chọn phương vị cho cổng và cửa chính

Ông Trà cho biết, hiện nay, mọi người chọn cổng và cửa chính theo quan niệm lấy bên Thanh Long và ở cung tốt theo Bát Trạch, sau nữa xem 24 sơn để biết cổng có vị trí ở sơn nào, tốt hay xấu, tiếp đến tính Thành Môn theo huyền không và chọn cho vận hiện tại và cả tương lai...

Căn cứ vào 2 sơ đồ phong thủy ở trên, kiến trúc sư Hoàng Trà chỉ định cổng và cửa chính sẽ ở Cung Chấn = Phương Đông = Phục Vị và ở trong 2 sơn Hoan Lạc và Thân Hôn.

4. Sau khi chọn được vị trí cửa chính, thì tính vị trí phòng khách tùy theo mục đích và hoàn cảnh của từng gia chủ

Hiện nay, đa số nhà ở có phòng khách liền ngay với cửa chính, chỉ những biệt thự lớn mới tách cửa chính và sảnh.

Thông thường, phòng khách quay ngang nhà hoặc dọc chiều sâu nhà. Chúng ta cùng xem hai phương án kiến trúc đi kèm với kích thước thực tế của lô đất. Kiến trúc sư Hoàng Trà đưa ra ý tưởng mặt bằng tầng 1 và phân tích phong thủy để thống nhất với chủ nhà như sau:

Với yêu cầu công năng tầng 1 gồm: 1 khách, 1 bếp, 1 ăn, 2 ngủ, 2 WC, cầu thang rộng trên 90 cm. Chúng ta thấy ở phương án 1, phòng khách quang ngang nhà thì diện tích lớn quá, bếp và ăn mang tính chất nội bộ, không phù hợp với gia đình có nhiều anh chị em họ hàng và nhiều bạn bè.

Với phương án 2: phòng khách vừa đủ rộng, khu bàn ăn sang hơn và có tầm nhìn cảnh quan đẹp hơn, nhà thoáng hơn. Như vậy, thiết kế sẽ đi sâu vào phương án 2.

Chúng ta cùng phân tích phong thủy của phương án 2:

Xét về kiến trúc, cả hai phương án trên đều có mặt bằng tầng 1 giống hệt nhau, chỉ có đối xứng lại. Nếu xét về khí hậu thì phương án 2.2 có phần ưu thế hơn là có cửa hông ở phòng ăn quay về hướng Nam, đón gió mát hơn. Cửa chính vào phòng khách nằm trong sơn Bại Tuyệt của 24 sơn hướng, nhưng xét theo Huyền Không thì cung Tốn (Đông Nam) có bộ sao vận - sơn - hướng là 7 - 2 - 5, nên theo huyền không phi tinh rất xấu. Còn ở phương án 2.1 thì cửa chính nằm ở cung Chấn (Đông) trong 2 sơn là Hoan lạc và Thân hôn tốt theo 24 sơn hướng và có bộ sao vận sơn hướng 6 - 3 - 4 tốt hơn rất nhiều so với cung Tốn (Đông Nam)…

Như vậy, cửa chính phải chọn theo phương án 2.1 dù là ở cung Phục Vị, nhưng tốt hơn nhiều so với cung Phúc Đức và chúng ta thấy phong thủy bát trạch đã không giống như kiến thức căn bản, không phải là cửa chính ở bên Thanh Long hay Bạch Hổ, mà phải căn cứ vào 72 long và 24 sơn… rồi mới quyết định

Ông Trà phân tích vào trường hợp cụ thể ở trên, để thấy: nếu chúng ta xây nhà mà không tính phong thủy thì chọn sai vị trí cửa chính, thì phong thủy nhà đã thịnh suy tốt xấu khác nhau một trời một vực. Từ vị trí cửa chính ảnh hưởng tới toàn bộ công năng của ngôi nhà. Khi đã xây rồi thì cải tạo rất khó và có chấn yểm phong thủy cũng không đạt hiệu quả cao.

Ở bài kế tiếp, kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà sẽ diễn giải tiếp quá trình thiết kế chi tiết kiến trúc cùng phong thủy của một ngôi nhà. Thông qua việc chia sẻ này, ông Trà mong muốn mọi người có cách nhìn sâu sắc hơn về giá trị của phong thủy khi ứng dụng và kiến trúc.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm