TOP 6 nguyên nhân chính dẫn đến những cơn "sốt" đất tại TP.HCM

| 28-10-2019, 16:08 | Phân tích Nhận định / Thị trường 24h

Thị trường nhà đất năm 2019 đã chứng kiến nhiều cơn “sốt” đất diễn ra tại một số khu vực đáng chú ý. Nguyên nhân của những cơn sốt đất này bắt nguồn từ đâu và đây có phải là dấu hiệu tích cực?



Năm 2019 đang bước vào quý cuối của năm, chứng kiến những cơn sốt đất tại một số khu vực thuộc ngoại thành. Nếu như năm ngoái, phạm vi cơn sốt đất diễn ra trên cả nước thì hiện nay cơn sốt đã co cụm lại chỉ diễn ra ở một vài khu vực như: Quận 7, Quận 9, Bình Chánh... Câu hỏi đặt ra là: tại sao nhà đất vẫn là phân khúc dễ tái sốt trên thị trường và nguyên nhân đến từ đâu. Hãy cùng đi tìm 6 nguyên nhân dẫn đến những cơn sốt đất tại TP.HCM.

Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến "sốt" đất: Tâm lý “tấc đất tấc vàng”

Từ xưa đến nay, ông bà ta luôn quan niệm “tấc đất tấc vàng” dù làm gì đi chăng nữa thì chỉ khi nào mua được đất, xây được nhà thì mới gọi là ổn định. Mặc dù hiện nay các sản phẩm căn hộ chung cư đã ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người ưa chuộng nhưng tâm lý muốn sở hữu đất vẫn chưa bao giờ “nguội lạnh”.

Theo các chuyên gia cho biết thì hiện nay tỷ lệ người muốn sở hữu nhà đất vẫn cao hơn tỷ lệ người mua căn hộ chung cư. Và thực tế cho thấy thì đa số những người mua chung cư với mục đích để ở thường là do không đủ khả năng tài chính để mua nhà đất nên mới nghĩ đến việc sở hữu chung cư với giá trị thấp hơn; không tính các trường hợp mua chung cư để ở và mua nhà đất để đầu tư.

Giả sử như có trong tay khoảng từ 3 – 4 tỷ thì đa số khách hàng sẽ chọn mua nhà đất để ở thay vì mua chung cư bởi họ cho rằng nhà đất về lâu về dài vẫn là của mình, có thể truyền lại cho con cháu và giá bán liên tục tăng mạnh theo thời gian.

Và cũng vì tâm lý sở hữu tài sản lâu dài mà số lượng người đổ dồn vào đầu tư nhà đất đã khiến thị trường này luôn được chuộng ở mọi giai đoạn và giá biến động tăng.



TOP 6 nguyên nhân chính dẫn đến những cơn "sốt" đất tại TP.HCM

Tâm lý “tấc đất tấc vàng” là một trong những yếu tố thúc đẩy các cơn sốt đất

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến "sốt" đất: Đa dạng đối tượng và nhu cầu

Bên cạnh yếu tố về tâm lý thì nhà đất (hay nhà mặt đất) là loại hình vừa tác động đến nhu cầu ở thực, vừa dễ tác động đến nhu cầu đầu tư vì mọi lứa tuổi đều có thể tham gia được. Có thể nói sản phẩm nhà đất đáp ứng được cả về tâm lý sở hữu lâu dài, của để dành và là kênh đầu tư mà người mua có thể theo đuổi đường dài.

Dù là đầu tư cho thuê hay sang nhượng cũng sẽ mang đến khả năng sinh lời cao hơn đồng thời cũng không gặp nhiều trở ngại như đầu tư căn hộ.

Do đó, sự tác động đến thị trường ở nhóm số đông tạo nên những hiệu ứng tích cực. Đây chính là nguyên nhân để phân khúc này dễ biến động giá và “hút” lượng lớn người tham gia.

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến "sốt" đất: Không định giá theo cấp bậc

Nguyên nhân thứ ba khiến nhà đất thường dễ biến động là vì phân khúc này không phân hạng theo cấp bậc như căn hộ chung cư.

Căn hộ thì chia thành căn hộ cao cấp, trung cấp, bình dân và bán với mức giá tương ứng nhưng với nhà đất thì việc định giá sản phẩm không dựa vào phân biệt cấp bậc. Do đó, đây chính là cơ hội để bên bán có thể tự tạo sóng bằng giá (có thể thấp, có thể cao hoặc có thể lên đỉnh…), tùy vào vị trí và mức độ đầu tư hạ tầng.

Việc phân biệt rõ mức giá bán chung của từng khu vực cũng không phải là chuyện dễ dàng. Do đó, việc nóng sốt cục bộ, rồi tái sốt cũng dễ hiểu, xuất phát từ sự ồ ạt về giá cả. Ngoài ra, nhà đất không bị xuống cấp như căn hộ cho nên không bị mất giá theo thời gian mà ngược lại càng để lâu giá càng tăng.



Thị trường đất nền đang ngày càng thu hút nhiều nhóm khách hàng khác nhau tìm đến

Nguyên nhân thứ tư dẫn đến "sốt" đất: Nhiều nhà đầu tư tay ngang tham gia thị trường

Nếu như khoảng vài chục năm trước chỉ có những nhà đầu tư chuyên kinh doanh bất động sản mới tìm kiếm sản phẩm để mua đi bán lại kiếm lời nhanh chóng thì hiện nay những người có chút vốn trong tay nhảy vào thị trường bất động sản cũng ngày một nhiều hơn.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả những công ty bất động sản “tay ngang” cũng tham gia vào “cuộc chơi” này và vì thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp trong việc định giá sản phẩm hoặc cố tình trục lợi mà những đối tượng này đã đẩy giá, đẩy nhu cầu lên cao gấp nhiều lần so với thực tế; từ đó gây ra những cơn sốt “ảo” tại một số khu vực.

Nguyên nhân thứ năm dẫn đến "sốt" đất: Xu hướng dịch chuyển đầu tư ít

Theo ghi nhận, nếu các nhà đầu tư căn hộ dễ dàng chuyển hướng sang đầu tư đất nền, nhà phố thì những nhà đầu tư nhà đất lâu năm lại rất khó để dịch chuyển.

Bởi đa số những nhà đầu tư “lão làng” trên thị trường nhà đất hiện nay đều chỉ tập trung vào đầu tư phân khúc này và “không chuyên” về căn hộ cho nên không muốn mạo hiểm thay đổi. Phần khác là vì yếu tố lợi nhuận giữa căn hộ và nhà đất chêch lệch khá cao khiến họ khó lòng chuyển hướng.

Bên cạnh đó, cũng có một số người liều lĩnh thay đổi phân khúc đầu tư nhưng vì đối với họ sản phẩm căn hộ còn quá mới, không có nhiều kinh nghiệm nên sau một thời gian hụt hẫng về lợi nhuận khi bỏ tiền vào căn hộ thì họ lại quay lại với nhà đất.



Giá chênh lệch giữa các khu vực cũng là một trong những yếu tố gây nên những đợt sốt kéo dài

Nguyên nhân thứ sáu dẫn đến "sốt" đất: Sự chênh lệch giá nhà đất khá lớn

Có thể nói hiện tượng nhà đất sốt cục bộ hoặc tái sốt xuất phát chủ yếu từ sự chênh lệch giá giữa các khu vực.

Chẳng hạn, khu vực này có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện nên giá nhà đất đạt mức 50 triệu đồng/m2. Còn khu vực khác tuy nằm sát bên nhưng vì đường sá chưa được đầu tư, đi lại khó khăn nên mức giá chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2.

Với mức giá nêu trên thì chắc chắn một lượng lớn các nhà đầu tư sẽ dồn về khu vực giá mềm để gom sản phẩm bởi vì trước sau Nhà nước ta cũng sẽ cho quy hoạch làm đường để nối liền hệ thống giao thông khu vực. Do đó, việc gom “hàng” từ sớm sẽ đảm bảo khả năng sinh lời cao nhất cho nhà đầu tư. Và hoạt động gom nhà đất này diễn ra trong khoảng thời gian đủ dài sẽ tạo nên biến động mạnh và gây nên những đợt sốt kéo dài.

Thế An (TH)

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm