Rao nhà khi chưa nhận đủ tiền tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường

| 13-02-2020, 15:48 | Kiến thức

Do sự cố hớ hênh từ việc mới nhận một nửa số tiền đã vội giao và làm thủ tục sang tên căn hộ trị giá 2 tỷ đồng cho bên mua nên ông Lư (quận 9, TP.HCM) gặp phải nhiều rắc rối nhớ đời.


Sau khi chốt mua căn hộ thiết kế 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh, đầy đủ giấy tờ của ông Lư, bà Nga đã đồng ý ký hợp đồng giao dịch với giá 2 tỷ đồng. Do chỉ có 1 tỷ nên người mua đề nghị được trả số tiền còn lại bằng khoản vay ngân hàng theo trình tự ngân hàng giải ngân qua sổ tiết kiệm phong tỏa cho ông Lư, khi hoàn tất thủ tục sang tên cho bà Nga thì sẽ mở phong toả. Ông Lư đồng ý phương án thanh toán này và đã cùng bà Nga đến cơ quan công chứng để thực hiện thủ tục công chứng thế chấp.

Sau khi nhận 1 tỷ đồng từ bà Nga và 1 tỷ đồng trong tài khoản do ngân hàng chuyển (nhưng chỉ được rút khi bà Nga ký hợp đồng công chứng thế chấp), ông Lư đã thực hiện thủ tục công chứng sang tên và giao chìa khóa căn hộ cho bên mua.

Vì thấy mặt trước của sổ hồng vẫn đứng tên ông Lư, còn việc mua bán sang tên chỉ được cập nhật ở mặt sau nên bà Nga đã không đồng ý ký vào hợp đồng công chứng thế chấp từ phía ngân hàng. Bà Nga cho biết, mình chỉ kỳ vào hợp đồng này khi ông Lư hoàn tất thủ tục cấp đổi sổ hồng mới và bìa sổ không còn bất kỳ thông tin nào liên quan đến chủ cũ. Song, để làm thủ tục cấp đổi sổ mới phải cần thêm thời gian, trong khi ngân hàng không muốn chờ thêm và đưa ra phương án sẽ rút số tiền phong tỏa từ tài khoản của ông Lư về để hai bên tự thương lượng ổn thỏa với nhau.

Thực tế này khiến ông Lư không khỏi bàng hoàng xen lẫn lo lắng. Ông nói: "Tôi chết lặng vì biết mình hớ hênh, có thể mất tiền tỷ bất cứ lúc nào". Để giải quyết sự việc, ông phải thuê luật sư sử dụng biện pháp rắn với bà nga và ra tối hậu thư khởi kiện. Trường hợp tòa tuyên yêu cầu của bà nga là hoàn toàn vô lý, cố tình cản trở quá trình thực hiện giao dịch nhằm trục lợi cá nhân thì bà phải chi trả toàn bộ thiệt hại và dọn ra khỏi căn hộ.

Rao nhà khi chưa nhận đủ tiền tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường
Không nên vội vàng bàn giao nhà khi chưa nhận đủ tiền. Ảnh: Quỳnh Trần

Cho đến khi bà Nga chịu ký vào bản hợp đồng công chứng thế chấp, ông Lư mới cảm thấy nhẹ nhõm và rút ra bài học quý từ việc bán nhà. Ông nói: "Sau vụ này, tôi không còn dám mạo hiểm bán nhà nhận nửa tiền đã sang tên, giao chìa khóa nữa. Tôi cũng thận trọng với khách mua nhà có nhu cầu vay ngân hàng vì chỉ cần mất cảnh giác sẽ gánh nhiều rủi ro".

Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong, việc mới chỉ nhận 50% giá trị tài sản đã vội giao nhà cho bên mua như trường hợp của ông Lư chính là đang tự đưa mình vào thế khó. Nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro cho các giao dịch mua bán nhà đất có liên quan đến nguồn vay ngân hàng, ông Phong đã đưa ra 4 lưu ý vàng sau đây:

Lưu ý đầu tiên là nên tham khảo ý kiến từ phía các chuyên gia pháp lý hay những môi giới có thâm niên trong nghề về những tình huống cũng nhưu những rủi ro cho thể xảy ra khi giao dịch.

Tiếp đến, cần phải kiểm tra và hiểu thật kỹ về các nội dung được nêu trong hợp đồng mua bán. Hợp đồng sẽ là cơ sở quan trọng nhất để giải quyết nếu có xảy ra rủi ro, mâu thuẫn, tranh chấp. Do đó, cả hai bên mua bán cần phải đọc kỹ và trao đổi với nhau một cách thẳng thắn những nội dung còn phân vân.

Lưu ý thứ ba là cần tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch mua bán như thuế, công chứng hợp lệ, giấy tờ liên quan.

Cuối cùng, cần phải thực hiện bàn giao nhà, giao tiền và các hồ sơ quan trọng cùng một lúc và nắm được khả năng các rủi ro có thể xảy ra khi ký kết hợp đồng mua bán. Chẳng hạn như: chỉ khi nhận đủ tiền mới giao nhà và giấy tờ liên quan; chỉ bàn giao tài sản khi các quy trình vay ngân hàng đã đảm bảo thực hiện xong; nên soạn một biên bản biên nhận có chữ ký của hai bên mua bán.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm