Những thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho nhà trên đất

| 10-10-2019, 16:30 | Kiến thức

Hỏi: Sau khi tìm hiểu một căn nhà xây 1 trệt, 2 lầu theo kiểu nhà phố liền kề trên diện tích đất 5x30 m2 ở Bình Dương, gia đình tôi rất ưng và muốn ký hợp đồng mua bán.


Tuy nhiên, khi lên địa chính để hỏi về giấy tờ nhà đất, chúng tôi được cán bộ trả lời trên sổ chỉ chứng nhận quyền sở hữu đất mà không có nhà. Do đó, chúng tôi phải đóng thuế thì mới được làm sổ hồng.

Tôi muốn hỏi cán bộ địa chính trả lời như vậy có đúng với quy định của pháp luật hiện hành hay không? Và để có được sổ hồng, gia đình tôi cần thực hiện những gì? Rất mong nhận được phương án tư vấn từ luật sư. Chân thành cảm ơn!

hoangkim23@....

Luật sư tư vấn:

Từ thông tin bạn cung cấp như trên, ngôi nhà bạn muốn mua mới chỉ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở. Và hiện nay bạn đang muốn làm thủ tục chuyển đổi từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Những thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho nhà trên đất
Những thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho nhà trên đất.

Về điều kiện cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà trên đất

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật nhà ở 2014:

“2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;”

Còn theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Nhà ở 2014:

“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn.”

Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành luật đất đai:

“c) Trường hợp nhà ở đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).”

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua việc mua bán, tặng cho… nhưng chưa có thông tin trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với công trình nhà ở xây dựng không hợp pháp, cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận việc cấp phép xây dựng, xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ, không ảnh hưởng đến an toàn của các công trình xung quanh và phù hợp quy hoạch xây dựng thì sẽ được cấp giấy chứng nhận.

Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà trên đất

Bạn hoàn toàn có thể được chuyển đổi từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu đáp ứng được các quy định nêu trên.

Đối với trường hợp chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là công trình xây dựng cần đáp ứng các điều kiện như:

(1) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;

(2) Một trong giấy tờ sau đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng (bản sao giấy tờ đã công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao hoặc bản chính):

"- Giấy phép xây dựng công trình đối với trường hợp phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp công trình đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt."

Sau khi hoàn tất hồ sơ, bạn sẽ đến tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để nộp và được giải quyết.

Bạn cần thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên để được cấp đổi từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Ngoài ra, khi thực hiện thủ tục chuyển đổi, gia đình bạn còn phải nộp các loại phí địa chính liên quan như: phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính; lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phí thẩm định.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo


Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An


(Theo cafeland)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm