Những lưu ý về thiết kế dành cho nhà có trẻ nhỏ

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 20-04-2021, 11:25 | Kiến thức

Mỗi năm, có nhiều tài nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em tại nhà. Môi trường sống nhà ở là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị thương tích như té ngã, bỏng, điện giật,...

Vì vậy,  cha mẹ nên lưu ý những biện pháp và thiết kế nhà ở giúp trẻ an toàn khi ở nhà, những điều được chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn phòng tránh được những tai nạn không đáng có ngay tại ngôi nhà của mình:

Lắp thiết bị chống giật điện

Các ổ cắm điện nên ở độ cao an toàn cho trẻ, ở chiều cao phù hợp khi trẻ đã nhận thức được việc dùng điện. Nếu để ổ điện quá thấp thì sẽ nguy hiểm cho trẻ nhỏ chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của điện. Cũng không nên để thiết bị ổ điện trên sàn gây cho trẻ nguy hiểm cũng như không thẩm mỹ.

Trẻ có thể sẽ đưa ngón tay vào ổ điện gây giật vậy nên bạn cũng cần chú ý phòng chống rủi ro này bằng các giải pháp như lắp thêm thiết bị, ổ cắm chống giật điện, hộp bảo vệ, nút bịt đầu ổ cắm điện để phòng trường hợp trẻ cho tay vào ổ điện.


Lắp thiết bị chống giật điện giúp trẻ an toàn khi ở nhà

Hạn chế kệ treo tường

Hiện nay, kệ treo tường khá phổ biến tại nhà ở, giúp tăng nơi cất trữ đồ và tiết kiệm không gian. Tuy nhiên, khi trẻ đùa nghịch có thể khiến đồ trên cao rơi xuống, vậy nên bạn có thể thay bằng tủ kệ kín có khóa để hạn chế đồ rơi xuống và bé không mở ra được. Xung quanh tủ kệ không nên có chiếc ghế nào để tránh trẻ leo lên với đồ trong tủ. 

Không để các xô nước, bồn tắm đầy nước

Để trẻ giữ an toàn khi ở nhà, hạn chế trường hợp trẻ em ở nhà một mình có thể bị vục mặt vào nước thì không nên có các xô chậu, bồn tắm có đầy nước. Hoặc nếu cần chứa nước thì nên chọn loại có nắp mà trẻ không mở ra được hoặc chốt cửa phòng tắm lại.


Có những chi tiết trong nhà ở cần chú ý để giữ  an toàn cho trẻ khi ở nhà

Nhà có ao hồ chứa nước

Với những nhà  thì nhất định cần có hàng rào chắn để trẻ không đùa nghịch ngã xuống khi không có người lớn xung quanh.

Cất các túi nilon

Bạn có biết rằng những chiếc túi nilon có thể nguy hại nếu trẻ nghịch ngợm trùm lên mặt gây ngạt thở. Vì vậy, tốt nhất nên để gọn trong tủ bếp và khóa để trẻ không lấy được.

Chiều cao cửa sổ

Cửa sổ nên có chiều cao từ mặt sàn tối thiểu là 1m để an toàn cho trẻ khi ở nhà, cao hơn 1m thì càng tốt. Có thể lắp thêm lưới bảo vệ hoặc song sắt an toàn.

Cầu thang và lan can

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra tiêu chí an toàn cho cầu thang và lan can là cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn, chiều cao và bề mặt rộng bậc cầu thang phù hợp với trẻ.


Cầu thang và lan can nhà ở an toàn cho trẻ con ở nhà

Đối với hành lang an toàn nhà ở thì khoảng cách giữa các thanh dọc của cầu thang  cần đảm bảo trẻ dưới 6 tuổi không chui lọt qua, đồng thời không có các thanh ngang tránh trẻ trèo qua. Tay vịn lan can đảm bảo chiều cao từ 900mm trở lên, chắc chắn, có thể nắm chặt được, lan can cũng cũng phải chắc chắn tại các cạnh sàn.

Nhà có trẻ dưới 6 tuổi thì nên có cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang. Có nhiều loại cửa chặn cầu thang làm từ gỗ, kim loại, nhựa, lưới, có thể dễ dàng tháo lắp, kéo dài được hơn 1m, giá bán cửa chặn cầu thang khoảng 400.000 đồng trở lên.

Với các cầu thang có bậc thang hở, độ hở giữa các bậc phải an toàn để trẻ không bị chui lọt qua, bề mặt bậc thang chống trượt.

Phòng ngủ cho trẻ

Phòng ngủ là nơi mà cha mẹ nên chú ý khi cho trẻ khi bắt đầu ngủ riêng để trẻ em ở nhà một mình an toàn.

Các vật dụng và đồ trong phòng ngủ nên tránh có các góc nhọn, không gây nguy hiểm. Nếu trẻ ngủ trên giường thì sắm thêm thanh chắn lưới quanh giường để trẻ không rơi ra khỏi giường lúc bò. Các bức tranh trang trí cần treo chắc chắn để không bị rơi xuống gây nguy hiểm.


Những lưu ý về thiết kế dành cho nhà có trẻ nhỏ

Bố trí phòng ngủ sao cho trẻ ở nhà một mình an toàn

Một điểm nữa cũng cần chú ý là đặt giường, bàn học cách xa cửa sổ. Để trẻ có giấc ngủ ngon thì nên đặt giường xa cửa sổ, ngoài ra điều này cũng tránh trường hợp trẻ con ở nhà leo trèo hiếu kỳ với những thứ bên ngoài. Bàn học đặt cạnh cửa sổ cũng có thể gây cho trẻ mất tập trung khi quan sát bên ngoài trong khi học.

Trong phòng trẻ nhỏ nên tránh dùng rèm cửa quá dài vì khi trẻ đùa nghịch với rèm có thể bị quấn nghẹt thở hoặc vấp phải ngã. Vì vậy, cha mẹ nên chọn rèm kích thước vừa vặn, không quá lớn, rèm có khuy cài hay dây buộc chắc chắn vén gọn giúp phòng thêm xinh và an toàn.

Bên cạnh đó, phòng trẻ nhỏ cũng cần chọn các chất liệu nội thất an toàn như ở nhà, không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Đồ nội thất bằng gỗ là phù hợp nhất cũng như có khả năng chịu lực với sự năng động của trẻ, nên hạn chế đồ nhựa. Ngoài ra, chọn loại sơn không độc hại để đảm bảo hệ hô hấp của trẻ được an toàn.

Ban công

Ban công cũng là một nơi mà cha mẹ nhất định nên lưu ý, đặc biệt là an toàn khi ở nhà chung cư cho trẻ. Ban công, lan can ở các tòa cao tầng cần có chiều cao tối thiểu là 1,4m, tránh ban công có các thanh ngang để trẻ không dễ trèo lên. Các khe hở của lan can nhỏ hơn đường kính 10cm, hạn chế để trẻ ở gần ban công.


Tiêu chuẩn ban công chung cư an toàn cho trẻ nhỏ

Lắp lưới an toàn là cách đảm bảo cho trẻ an toàn ở nhà. Hiện có những lưới an toàn có tính thẩm mỹ, không ảnh hưởng tầm nhìn, an toàn và linh hoạt khi dùng. Lưới làm bằng những sợi cáp inox xoắn gắn trên thanh nhôm hợp kim, các sợi cáp này được bọc nhựa nên không dễ bị rỉ sét hay không an toàn. Nếu trường hợp khẩn cấp cần phải thoát thân ra ngoài thì chỉ cần dùng kìm cộng lực cắt đi vài sợi dây là được.

Cha mẹ cũng tránh việc đặt các đồ đạc như bàn ghế, máy giặt, tủ kệ, chậu cây gần ban công để tránh việc để trẻ nhỏ ở nhà một mình leo trèo lên.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm