Khi muốn "tự lực cánh sinh" mua nhà, hãy chấp nhận từ bỏ nhiều thứ!

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 15-10-2020, 14:55 | Kiến thức

Tôi kết hôn được 7 năm, cả hai vợ chồng đều cùng quê và thuộc một trong những tỉnh nghèo nhất miền Trung. Từ lúc học đại học cho đến lúc lấy nhau, hai đứa có ngót chục năm sống cảnh nhà trọ ở Sài Gòn. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được cảnh sống tạm sống bợ, phải lệ thuộc nhiều thứ. Năm trước, chúng tôi quyết định mua một căn chung cư ở quận 12, cách chỗ làm không quá xa dù chưa có tiền tích góp nhiều.

Nói về thu nhập thì tôi thuộc mức bình thường ở một thành phố lớn, chỉ 12 triệu/tháng, vợ tôi lương hành chính nhân sự cũng chỉ được 8 triệu mỗi tháng. Bình thường, tiền thuê nhà, điện nước đã ngốn hết 4/20 triệu, đóng tiền học mẫu giáo cho con tầm 3 triệu mỗi tháng nữa. Tính luôn chi phí ăn uống, đi lại, hiếu hỷ ông bà hai bên, vợ chồng tôi chẳng còn lại bao nhiêu.

Phần tôi thì vốn tính phong lưu, có nhiều bạn bè, tháng nào cũng “off hội”, nhậu nhẹt 3-4 lần. Tôi cũng có công việc làm thêm ở ngoài, được khoảng 4-5 triệu mỗi tháng nhưng tiền kiếm được đều nướng vào những “độ nhậu”, “kèo ăn uống” đến 2-3 giờ sáng. Có khi còn thâm hụt vô tổng thu nhập thêm 2-3 triệu đồng.

Lúc ăn chơi thì thấy mình chẳng thua kém đứa nào nhưng lúc tỉnh ra ngồi một mình ngẫm lại mới thấy trong hội đứa nào cũng có nhà cửa đàng hoàng cho vợ con, trừ mình. Tụi nó có chơi cỡ nào đi nữa thì vợ con cũng được yên ấm, còn mình chơi như thế thì khổ vợ, khổ con. Tôi thực sự thấy sốt ruột.

Cứ thuê nhà và chờ đủ tiền như thế này thì không biết bao giờ mới có nhà riêng, sau nhiều lần đắn đo, tôi và vợ quyết định mua trả góp căn hộ.

Biết khả năng tài chính của mình có giới hạn, tôi quyết định mua một căn hộ ở ngoại ô khoảng 65m2, tổng chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Thời điểm mua nhà, vợ chồng tôi chỉ có khoảng 300 triệu tiền tiết kiệm, cố vay thêm các chiến hữu xin trả chậm được thêm tầm 60 triệu nữa, hai đứa đủ tiền trả trước 30% giá trị căn nhà.

Số tiền còn lại vợ chồng tôi vay thế chấp ngân hàng, trong 15 năm, với lãi suất 7,5% mỗi năm, mỗi tháng trả góp hơn 9 triệu đồng. Nghĩ xa thì thấy số nợ khổng lồ, nghĩ gần thì thấy mỗi tháng phải trích ra gần 50% tổng thu nhập để trả ngân hàng, chúng tôi toát mồ hôi hột, nhưng thôi đã chấp nhận mua rồi thì ráng bảo ban nhau cố gắng.


Khi muốn "tự lực cánh sinh" mua nhà, hãy chấp nhận từ bỏ nhiều thứ!

Chợt thấy bạn bè ai cũng có nhà cửa đàng hoàng, tôi nhận ra mình phải có căn nhà

(Ảnh minh họa)

Xong phần nhà, tiếp đến là nội thất. Chúng tôi tận dụng từng món đồ còn xài được hồi còn thuê trọ, rồi sắm thêm một số nội thất cần thiết nhất. Đến nước này thì tôi phải vay thêm một khoản nợ tầm 50 triệu trong thẻ tín dụng mới có thể xoay sở được. Nợ này tôi cũng chuyển sang dạng trả góp.

Từ ngày mua nhà, vợ chồng tôi lên kế hoạch rõ ràng, ai lo phần nấy, đặt trách nhiệm lên hàng đầu. Vợ lo tiền ăn học cho con và chi tiêu trong gia đình bằng lương của vợ. Còn tôi thì nhận trách nhiệm trả nợ, vì tôi có công việc làm thêm cũng khá ổn định. Mỗi tháng, tôi trả hơn 9 triệu tiền mua nhà, cùng với 5 triệu thẻ tín dụng. Với mức thu nhập khoảng 15-17 triệu mỗi tháng, sau khi trả nợ xong thì còn chỉ khoảng 1 – 3 triệu tiêu vặt cá nhân.

Cũng từ đó, tôi bỏ luôn thói quen xài sang vì có muốn cũng không thể. Tháng nào vướng đám tiệc nhiều, hoặc cần về quê thăm ông bà là y như rằng tôi phải “xất bất sang bang” đi vay mượn bạn bè. Riết rồi tôi cũng hình thành thói quen không bỏ nhiều tiền vào ví để kiềm hãm bản thân. Trong túi tôi không bao giờ có quá 200 nghìn đồng.

Khi bạn không có tiền, nhà bạn lại ở xa khu trung tâm thì tự động bạn sẽ từ bỏ những thói quen tụ tập, ăn nhậu thôi. Ai nói từ chối nhiều sẽ bị bạn từ mặt chứ tôi thì không thấy thế. Bởi vì không có lựa chọn nào khác thì thôi cứ nói thật là hết tiền, phải trả nợ, đãi thì tôi đi không thì ở nhà. Bạn bè thông cảm cho nhau thì mình góp mặt cho vui còn ngại thì hẹn dịp khác vậy.

Từ ngày mua nhà, nếu có đi chơi với bạn, tôi cũng chỉ tham gia đến 8-9h tối rồi xin kiếu, kẻo lại sa đà như trước kia, thêm nữa về khuya thì sáng dậy đi làm cũng không có tinh thần. Đang lúc bí bách như thế này mà bệnh thì khổ lắm. Tôi biết có vài đứa cũng cảm thông rồi động viên, nhưng số khác thì không, hay nói này nọ. Nhưng thôi, đời là thế, bận tâm làm gì!

Vợ tôi cũng cố gắng cắt giảm tối đa những khoản chi có thể. Chẳng hạn như không đi du lịch, hạn chế về quê. Dự định mỗi năm chỉ đi khoảng 2 lần để tiết kiệm chi phí. Đến cả chuyện ăn uống chúng tôi cũng không dám mua đồ ở Sài Gòn vì ngại giá cả đắt đỏ. Thay vào đó, nhà tôi và nhà vợ cứ mỗi tháng sẽ gửi gà, vịt, rau củ, thịt, cá… từ quê ra. Do có người quen chạy xe khách nên cũng tiện, giá cả rẻ hơn mà cũng đảm bảo thực phẩm sạch.


Có nhà rồi, chúng tôi như trưởng thành thêm lần nữa (Ảnh minh họa)

Căn nhà đã đặt chúng tôi vào thế phải trưởng thành hơn, phải biết chu toàn, lo toan trong ngoài nhiều hơn trước. Ai đó từng nói rằng con người ta có động lực và tinh thần nhất là khi mang trên mình đống nợ, tôi tin điều đó đúng. Thời gian trước, không ai từng nghĩ tôi sẽ từ bỏ đời sống “phong lưu”, chịu sống cảnh gia đình trói buộc. Tôi cũng là một người thường hay “nhảy việc” nhưng giờ thì phải nỗ lực gắn bó với nó hơn. Vợ tôi từ một người mỗi tháng có thể mua 5-7 cây son MAC, vài đôi giày cao gót, ba bốn cái váy đầm thì giờ chỉ mua những khi cần thiết. Chúng tôi đã “lớn” theo những cách không tưởng.

Mục tiêu duy nhất của vợ chồng tôi bây giờ là cố gắng giảm bớt gánh nặng trả nợ để có cuộc sống thoải mái hơn. Phần tôi thì sẽ tăng hiệu suất công việc tối đa, phần vợ thì học thêm chứng chỉ nghiệp vụ để có cơ hội thăng tiến. Nhờ vạch rõ con đường, chúng tôi cảm thấy trưởng thành và gắn bó với nhau hơn. 

Nhiều tối, châm điếu thuốc, ngồi trên ban công nhà nhìn ra xa, tôi thầm nghĩ: mình đã có hơn nửa cuộc đời chạy theo những cuộc chơi, thì lần mua nhà này cũng xem như là cuộc chơi lớn, mình sẽ chấp nhận và đeo đuổi đến cùng...

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm