Đối phó với những bí mật mà người bán nhà "không bao giờ muốn bạn biết"

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 7-09-2020, 07:21 | Kiến thức


Pháp lý căn nhà có vấn đề

Khi mua bán nhà đất, người bán thường không nhắc đến, thậm chí là giấu nhẹm chuyện pháp lý căn nhà có vấn đề. Do đó, người mua nhà phải chủ động kiểm tra pháp lý, sổ sách, thông tin quy hoạch. Đặc biệt, rắc rối người mua nhà thường mắc phải nhất là nhà đang vướng tranh chấp.


Đối phó với những bí mật mà người bán nhà "không bao giờ muốn bạn biết"

Mua nhầm nhà đang tranh chấp, bạn muốn bán lại cho người khác cũng rất khó khăn và thường bị ép giá.

Người mua nhà có thể đến phòng quản lý đô thị địa phương để xem quy hoạch hoặc kiểm tra tại UBND xã, phường, thị trấn hay liên hệ tổ trưởng tổ dân phố hoặc có thể hỏi thăm hàng xóm xung quanh.

Bạn cũng cần dành thời gian hỏi han người dân lân cận xem đường dẫn vào căn nhà bạn muốn mua có từng xảy ra tranh chấp không. Những khu dân cư tại các thành phố lớn đôi khi do lấn chiếm, cơ nới mà xảy ra nhiều tranh chấp gay gắt.

Nếu không xem kỹ các vấn đề pháp lý, người mua nhà sẽ người chịu thiệt khi có tranh chấp xảy ra. Khi nhà vướng pháp lý, bạn muốn bán lại cho người khác cũng rất khó khăn và thường bị ép giá.

Ngoài ra, người mua nhà có thể phần nào phân biệt được sổ hồng thật, giả bằng những cách sau đây:

Màu sắc, họa tiết của cuốn sổ


Các giấy tờ nhà đất thật được in bằng công nghệ in offset nên hình ảnh sẽ sắc nét, các đương nét vuông vức, rõ ràng, màu mực đồng màu trên cùng chi tiết in. Ngược lại, giấy tờ nhà đất giả sẽ được thực hiện bằng in màu kỹ thuật số nên các chi tiết in không sắc nét, đường nét mờ nhạt, trên cùng chi tiết in có các hạt mực không đồng màu.

Phần dấu nổi


Chiếu xiên đèn pin một góc 10 - 20 độ tại vị trí dấu nổi (góc dưới bên phải mặt trước sổ hồng). Đối với sổ thật các đường nét in nổi rõ ràng, dấu và mã hiệu được đóng ngay ngắn. Ngược lại, sổ giả thường các chi tiết in nổi sẽ rất mờ nhạt, mã hiệu đóng bị lệch.

Ngoài ra, bạn có thể chú ý quan sát chữ ký và con dấu của người có thẩm quyền cấp sổ. Đối với sổ giả các chi tiết này thường được scan lại nên chữ ký và con dấu thường bị mờ nhạt, đứt quãng. Chữ ký trên sổ giả sẽ không có vết hằn do lực tì đè khi ký.

Kiểm tra các dấu hiệu bị tẩy xóa cơ học

  • Số sổ.
  • Số vào sổ quyết định.
  • Loại đất.
  • Thời hạn.
  • Hình thức sử dụng.
  • Diện tích (bằng số, bằng chữ).

Đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung (in offset), dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ (kiểm tra phương pháp đóng dấu), các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không (chuyển quyền sử dụng đất, diện tích…).

Nếu sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc phòng tài nguyên và môi trường.

Căn nhà đang xuống cấp

Để bán nhà nhanh và được giá, người bán thường sẽ tân trang lại bề ngoài cho căn nhà của họ. Thậm chí nhiều trường hợp nhà cũ, xuống cấp nhưng chỉ bằng vài thủ thuật “che đậy” nhanh chóng bằng vật liệu rẻ tiền là nhà đã trông như mới.


Mua nhầm nhà đang xuống cấp bạn sẽ tốn thêm một khoản kha khá để trùng tu.

Thông thường trước khi bán những căn nhà xuống cấp thì người bán đã gia cố lại bằng cách trét bột vào những vị trí tường nứt, sơn lại tường cho đẹp làm bắt mắt người mua. Do đó, khi đi xem nhà, người mua cần kiểm tra sơ bộ bằng những cách sau:

  • Dùng tay xoa vào tường để phần nào phát hiện được những chỗ gờ lên do mới trét bột.
  • Dùng tay gõ vào tường để xem tường có bị xuống cấp hay chưa. Nếu tường chắc thì âm thanh sẽ vang “cọc cọc” và bạn có thể cảm nhận tường còn khá tốt, nếu tường mục xuống cấp thì âm thanh sẽ có tiếng “bụp bụp”.
  • Đặt tay vào tường và mắt nhìn thật kỹ để phần nào biết tường có bị thấm nước hay không.
  • Gõ ở dưới nền nhà tương tự như gõ vào tường để biết được nền đất có bị xuống cấp hay không.

Nếu bạn không rành về kỹ thuật thì có thể nhờ đến người thân, bạn bè có kinh nghiệm xem nhà giúp đỡ. Người mua cần xét kỹ chất lượng căn nhà để tránh bị lừa bởi vẻ ngoài của căn nhà mà phải mất thêm chi phí và thời gian tu sửa.

Hàng xóm bất hảo xung quanh nhà

Nhiều trường hợp người mua nhà vì thấy giá bán quá “hời” nên đã quyết định mua nhà cũ ngay lần đầu đi xem trong khi chưa quan sát kỹ hàng xóm xung quanh như thế nào cũng như môi trường sống hàng ngày ra sao.


Mua nhà nhầm khu vực phức tạp sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối hàng ngày.

Và đến khi dọn vào ở rồi thì muôn vàn rắc rối cứ nối đuôi nhau xuất hiện, như hàng xóm nghiện ngập, cờ bạc, cãi vã suốt ngày, khu vực thường có tệ nạn xã hội, thường xuyên xảy ra trộm cắp,…

Đặc biệt những gia đình có con nhỏ hoặc đang có dự định sinh con càng phải cân nhắc kỹ vấn đề này khi mua nhà. Bởi dù cách giáo dục của gia đình có tốt đến đâu, thì môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nhận thức của trẻ nhỏ.

Căn nhà có phong thủy không tốt

Một khi xác định căn nhà này là nơi an cư lâu dài của gia đình thì phong thủy là một trong những yếu tố quan trọng mà người mua cần xét kỹ. Người mua nhà nên quan tâm đến hướng nhà, địa thế nhà và lịch sử căn nhà.


Theo phong thủy, không nên mua nhà có đường lớn đâm thẳng vào.

Theo quan niệm của nhiều người, nên tránh những căn nhà nằm trong ngõ cụt, có đường lớn đâm thẳng vào hay tóp hậu. Hình dáng đẹp nhất của khu đất là hình vuông, hình chữ nhật. Khu đất nở hậu, tức phía sau lớn hơn phía trước càng là điều tốt lành.

Trong trường hợp căn nhà được bán từ một gia đình mới ly hôn, vỡ nợ hoặc có người nhà mắc bệnh hiểm nghèo, vướng vòng lao lý, tù tội… thì người mua nhà để an cư lâu dài cần cân nhắc, xem xét kỹ trước khi “xuống tiền”.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm