Chiêu lừa dự án ma: Biết rồi mà vẫn "sập" bẫy

| 20-07-2020, 12:56 | Kiến thức

Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của chính quyền địa phương, truyền thông, báo đài, người mua vẫn dễ dàng chạy theo và mắc bẫy các dự án ma, bánh vẽ trên đất nông nghiệp.


Đầu tháng 7/2020, do bị nhiều khách hàng tố cáo bán đất "ma" tại nhiều dự án như: Nguyễn Xiển 1, Nguyễn Xiển 2, Nguyễn Xiển 3, Bưng Ông Thoàn, Linh Xuân, Trại Nhím…, Tổng giám đốc Công ty Thiên Ân Phát, bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc đã chính thức bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số những cái tên liên quan đến dự án ma tính từ đầu năm đến nay như: Phương Nam, Angel Lina, King Home Land, Hưng Thịnh Phát, Hoàng Kim Land, DCB,… Có vẻ như hồi chuông cảnh tỉnh mang tên Alibaba - doanh nghiệp bán dự án ma đã lừa đảo hàng ngàn người từng gây xôn xao dư luận hồi cuối năm ngoái vẫn chưa đủ sức nặng để giúp người mua tỉnh táo trước những cái bẫy đầy hấp lực trên thị trường.

Đáng chú ý, thông tin cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo nói trên đã được "phủ rộng" trên nhiều phương tiện báo chí - truyền thông cũng như được đưa ra bởi chính các địa phương hay chủ sở hữu thực sự của các bất động sản này. Tuy nhiên, kết quả vẫn là liên tiếp nhiều người đã tự sa vào bẫy để rồi rơi vào cảnh chạy ngược xuôi căng băng rôn, khiếu nại khắp nơi. Vậy, mấu chốt ở đây là do người dân "tham thì thâm" hay cố tình “điếc không sợ súng”?

Chiêu lừa dự án ma: Biết rồi mà vẫn "sập" bẫy
Người mua đất vẫn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo về dự án "ma" của chính quyền địa phương. Ảnh: Thanh Niên

Cách thức, quy trình lừa đảo "rõ mồn một"

So với nhiều công ty nhỏ lẻ, cách thức, thủ đoạn lừa đảo của công ty địa ốc Alibaba được thực hiện một cách ngang nhiên hơn nhiều. Sự bành trướng này khiến không ít người nhầm tưởng có thế lực chống lưng đằng sau Alibaba nên việc hợp thức hóa được các dự án trên đất nông nghiệp sẽ chỉ là chuyện sớm chiều. Thủ đoạn của chúng không hề mới, đơn giản vẫn là mượn đất nông nghiệp để vẽ dự án, ra chính sách chiết khấu cao, giá bán rẻ để đánh vào lòng tham, dụ dỗ người mua. 

Với phương thức quen thuộc này, bước đầu tiên sẽ là tìm kiếm những nguồn đất có diện tích đủ lớn để tạo ra “bánh vẽ”:

Trường hợp thứ nhất là đất nằm trong quy hoạch, đất chưa chuyển mục đích sử dụng tại TP.HCM hoặc khu vực vùng ven có nguồn gốc là đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp hoặc cả đất ở. Chúng chỉ ký hợp đồng đặt cọc thay vì ký hợp đồng mua bán để tạo niềm tin, lấy giấy ủy quyền từ chủ đất và chờ đợi làm thủ tục pháp lý. Trong thời gian đó, mọi khâu từ vẽ dự án, đặt tên, chào bán, quảng cáo sai thông tin để bán được cho nhiều người được chúng tận dụng một cách tối đa.

Trường hợp thứ 2, các tay lừa đảo sẽ tìm mua đất nông nghiệp giá rẻ ở khu vực ven đô hoặc giáp ranh TP.HCM với số lượng lớn. Tiếp đến tự ý phân lô, vẽ dự án, đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cách tạm bợ rồi quảng bá rầm rộ, rao bán cho những người có nhu cầu.

Đất thuộc quản lý nhà nước, đất quy hoạch lâu không sử dụng, đất trong diện quy hoạch là đất công cộng hay không có pháp lý rõ ràng, không có ai quản lý cũng là một trong những công cụ quen thuộc để đem đi lừa đảo. Việc cần làm chỉ là tại ra các giấy tờ giả rồi đem đất đi chào bán với giá rẻ, dụ người mua đặt cọc và sẽ cao chạy xa bay ngay khi bị phát hiện. 

Tìm được nguồn đất, các đối tượng lừa đảo nhanh chóng chào bán đất thông qua các hình thức quen thuộc như góp vốn, vi bằng, đặt cọc hoặc hợp đồng ủy quyền. Bên cạnh việc đưa ra mức giá hấp dẫn, khách hàng còn được cam kết sẽ nhận đất trong vòng 3-6 tháng và sẽ được trả lãi gấp 2-3 lần lãi ngân hàng cùng kỳ hạn nếu không giao đúng hẹn. Tuy nhiên, những cam kết này trên thực tế hầu như không bao giờ được thực hiện bởi các dự án đều chưa được cấp phép.

Dù chưa được phê duyệt tách thửa, lập dự án nhưng việc nhiều khu đất nằm trong quy hoạch bị lợi dụng lập dự án ma không phải là chuyện hiếm gặp. Ảnh minh họa

Tham thì thâm!

Bên cạnh những chiêu thức lách luật nhờ những lỗ hổng về mặt pháp lý, tại sao những chiêu trò "cũ rích" của giới lừa đảo vẫn có thể thực hiện được và tạo thành vòng lặp luẩn quẩn như hiện nay? Điều này có thể được lý giải một phần là do những thói quen của nhiều người Việt khi đầu tư:

Một là, tâm lý chạy theo chiết khấu cao, giá hời: Vụ lừa đảo của Alibaba trước đó là một minh chứng điển hình khi đưa nhiều người "vào tròng" nhờ đánh vào lòng tham với mức lãi suất đầu tư được hứa hẹn lên tới 30-50%/năm ngay cả khi dự án chưa hề được cấp phép?

Bên cạnh đó, Alibaba còn áp dụng chiêu thức bán hàng kiểu đa cấp bằng việc mời gọi khách hàng dụ dỗ thêm người thân, bạn bè cùng tham gia để có thể được chiết khấu cao hơn. Cho đến khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, đã có không ít người thừa nhận rằng chỉ vì tham giá rẻ, lại được nghe đến "bánh vẽ" của những khoản siêu lợi nhuận về sau nên bằng mọi giá họ vẫn “cố đổ tiền vào”.

Hai là, tâm lý "tát nước theo mưa": thói quen mua nhà đất theo phong trào không còn xa lạ với nhiều người Việt. Theo đó, chẳng cần biết sản phẩm đó như thế nào, pháp lý có tốt không, thanh khoản về sau ra sao... không hiếm người đặt hết niềm tin vào những dự án "càng có nhiều người mua càng tốt". Nắm bắt được tâm lý này, các công ty lừa đảo sẽ tìm đủ mọi cách để bày binh bố trận, giả cò môi, khách hàng đến tham quan dự án, các điểm giao dịch để hút người mua. 

Đánh vào lòng tham của nhiều khách hàng, nhiều kẻ xấu đã khéo léo lợi dụng, lôi kéo họ sập bẫy các dự án ma. Ảnh minh họa

Ba là, tâm lý đã đâm lao phải theo lao: Không ít người khi biết mình mắc bẫy, thay vì xác minh lại thông tin, cố gắng tìm ra hướng giải quyết khó khăn thì lại có xu hướng ôm hi vọng lấy được số tiền cọc đã mất nên càng dễ lún sâu thêm vào vũng lầy. Nhiều trường hợp ngay cả khi đã biết rõ dự án không được cấp phép vẫn cố gắng đổ thêm tiền vì nghĩ rằng vẫn có thể được cấp sổ nhưng chỉ đến khi đã bỏ quá nhiều tiền nhưng mọi thứ không như tưởng tượng thì chỉ biết "hối hận muộn màng". 

Bố là, tâm lý ngại kiện cáo, liên quan đến pháp luật: Đơn cử như vụ lừa đảo hàng loạt của Alibaba, tuy vụ việc đã được cơ quan công an điều tra, xử lý nhưng trong những người bị lừa đảo, không phải ai cũng sẵn sàng cung cấp thông tin, tham gia tố giác. Vì vậy, vụ việc càng ở lâu trong bóng tối và đẩy nhiều người thiếu hiểu biết khác sa lầy. 

Nhìn chung, các thức đầu tư thiếu chuyên nghiệp cùng với lòng tham chính là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng nhiều người sập bẫy các dự án ma như hiện tại. Bởi vậy, người mua cần tỉnh táo để tự cứu chính mình trước khi "than thân trách phận" và đổ lỗi cho tính minh bạch của luật pháp cũng như sự lỏng lẻo của một số cấp quản lý.


(Theo ThanhnienViet)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm