Doanh nghiệp bất động sản lo ngại thị trường năm 2019 gặp khó khăn vì pháp lý

| 19-06-2019, 16:12 | Góc pháp luật

Các vấn đề về pháp lý đang khiến doanh nghiệp lo ngại thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn trong năm nay, sau một năm 2018 thị trường sụt giảm về nguồn cung mới.
Doanh nghiệp bất động sản lo ngại thị trường năm 2019 gặp khó khăn vì pháp lý

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tich Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM chiều ngày 23.01.2019. Ảnh: Trường Bùi.


Thị trường bất động sản năm nay có nguy cơ gặp thêm khó khăn do các vấn đề liên quan đến pháp lý, ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty Đất Lành, đưa ra nhận định tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP.HCM chiều ngày 23.1.

Các thông tin thanh tra, rà soát dự án có nguồn gốc đất liên quan đến đất công bị đấu giá lại, định giá lại hoặc dừng chuyển mục đích sử dụng đất... sẽ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, ông Đực lo ngại.

Vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất gây khó cho doanh nghiệp và cũng gây hoang mang cho người mua nhà. "E rằng năm 2019-2020 sẽ không còn nhiều dự án nữa trên địa bàn thành phố," ông Đực nói.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), một số thủ tục về triển khai dự án hiện tại có sự chồng chéo. Ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng cụ thể, đó là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư dự án có thể xem như một, nhưng hiện tại là hai thủ tục khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung trong thời gian qua, theo ông Châu.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, đánh giá thị trường bất động sản hiện khá phức tạp. Vài dự án đã ký bán cho người dân nhưng vẫn đi thế chấp ngân hàng gây ra những biến động lớn, có dự án chưa xong pháp lý đã bán cho để thu hồi vốn, dự án quảng cáo chất lượng cao nhưng thực tế không đúng...

Tại buổi gặp gỡ, một số doanh nghiệp bất động sản phản ảnh thủ tục lập dự án bất động sản cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Nhiều quy định chồng chéo, hồ sơ ứ đọng và không được giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, việc Nhà nước nắm vốn doanh nghiệp khiến cho quá trình huy động vốn phát triển dự án gặp trở ngại.

Theo ông Trần Văn Châu, chủ tịch công ty địa ốc Chợ Lớn, công ty hiện có 20% vốn Nhà nước do Tổng công ty địa ốc Sài Gòn nắm giữ. Công ty muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu để tăng vốn, nếu Nhà nước muốn mua thì tiếp tục đầu tư vào, hoặc đấu giá quyền mua để công ty huy động được vốn, nhưng Nhà nước không rút vốn mà cũng không tham gia thêm khiến cho việc huy động vốn gặp khó khăn, ông Châu cho biết.

Không riêng gì các dự án của công ty Chợ Lớn mà còn nhiều dự án khác cũng đang chững lại do có vốn của Nhà nước tham gia. Tuy nhiên, do không đủ năng tài chính nên các doanh nghiệp nhà nước này không rút mà cũng không tham gia tăng vốn khiến tình hình trở nên khó khăn hơn, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.

Sắp tới TP.HCM sẽ công khai tình trạng pháp lý của từng dự án thông qua ứng dụng điện thoại để người mua nhà nắm được rõ ràng. Những dự án nào đã được Nhà nước chấp thuận sẽ được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ông Trần Vĩnh Tuyến nói và cho rằng việc rà soát pháp lý các dự án thông qua cơ quan thanh tra, kiểm tra là điều bình thường.

Theo HoREA, thị trường bất động sản TP.HCM sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Toàn thành phố có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với trên 28.000 căn, giảm 34,1% so với năm 2017.

Hiệp hội này cũng nhận định rằng thị trường bất động sản thành phố chưa phát triển bền vững, hiện phân khúc bình dân chỉ chiếm 24,7% thị trường, trong khi phân khúc cao cấp chiếm 30%, phân khúc trung cấp chiếm đến 45,3%.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm