Xây sân bay Long Thành làm tăng nợ công

| 25-10-2019, 15:00 | Chính sách

Việc Chính phủ giao ACV triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trong đó doanh nghiệp này phải vay hơn 2,6 tỉ USD nên tiềm ẩn nguy cơ nợ công bị đội lên, chưa kể dự án có khả năng bị chậm tiến độ...

Xây sân bay Long Thành làm tăng nợ công
Bộ GTVT chốt thiết kế hoa sen cho sân bay Long Thành - Ảnh: ACV - TT



Nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn như vậy khi thảo luận tại tổ vào chiều 24-10, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (trong đó Chính phủ đề xuất giao cho Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV triển khai) và báo cáo thẩm tra của Quốc hội.



Rủi ro nên Nhà nước bảo lãnh vay vốn



Trong báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng đây là dự án kéo dài nhưng đến nay hội đồng thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung như tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù...



Đối với tổng mức đầu tư, theo ông Thanh, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, nên cần rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư. Ngoài ra, đây là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý.



Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về phương án huy động vốn do báo cáo nghiên cứu khả thi chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn, trong khi ACV phải đi vay 2,628 tỉ USD. Trong khi đó, cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ, khoản vay này sẽ được tính vào nợ công.



"Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động đến nợ công" - báo cáo thẩm tra yêu cầu. Đồng thời đề nghị cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV, vì đơn vị này vừa phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.



Dù báo cáo Chính phủ nêu rõ dự án đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội (tỉ suất nội hoàn kinh tế là 19%, cao hơn mức trung bình là 10-12%; tỉ suất nội hoàn tài chính là 11,2%, tỉ suất lợi ích trên chi phí tài chính lớn hơn 1...), nhưng cơ quan thẩm tra cho rằng những con số nêu trên còn phụ thuộc vào sản lượng khách, sản lượng hàng không và tăng trưởng GDP... "Chưa kể nếu trong quá trình xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỉ suất nội hoàn có thể thay đổi, chưa kể tiến độ đưa ra được đánh giá là khó khả thi".



Lo dự án đội vốn, chậm tiến độ



Cũng tại buổi thảo luận, ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai Võ Văn Thưởng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đề nghị cần làm rõ diện tích đất tăng thêm sẽ đưa vào dự án giải phóng mặt bằng hay tính vào giai đoạn 1 của dự án. Theo ông Thưởng, Quốc hội đã đồng ý tách việc giải phóng mặt bằng là dự án riêng, nên nếu diện tích tăng thêm có trong dự án này thì cần phải điều chỉnh dự án. Trường hợp đưa vào dự án giai đoạn 1, việc triển khai sẽ thực hiện sau, có thể dẫn tới "chênh lệch chính sách" trong thu hồi đất địa bàn.



Ngoài ra, cần cân nhắc cơ chế giao đất cho doanh nghiệp thực hiện các công trình dịch vụ, đầu tư dự án bởi liên quan đến thu hồi đất của dân. "Người dân nói vì sân bay Long Thành nên di dời sớm để phục vụ mục tiêu sân bay. Nhưng trong đó lại có những dự án thuần túy là kinh doanh, dù là kinh doanh phục vụ sân bay nên đây là vấn đề cần phải hết sức chú ý, chứ sau này Đồng Nai làm công tác tư tưởng với dân khó lắm" - ông Thưởng nói.



Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ĐB Lai Châu) cho rằng Chính phủ phải làm rõ thêm việc cần 136ha đất chỉ để triển khai 2 dự án tuyến đường bộ và dự án này có cần thiết phải nằm trong tổng thể dự án sân bay Long Thành? "Việc giao cho ai, chỉ định thầu hay đấu thầu đều có quy định cụ thể. Nếu Chính phủ đề nghị có phương án thì không cần thiết. Vấn đề nữa là tiến độ thế nào? Chính phủ phải đảm bảo và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tiến độ và kiểm điểm trách nhiệm" - ông Hiển nói.



Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ĐB Bạc Liêu) cho rằng công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công... "Kinh nghiệm và thực tế thấy nếu chúng ta không quan tâm giám sát ngay từ giai đoạn đầu của dự án, khi xảy ra những vụ việc xử lý hậu quả sẽ khó lường" - ông Khái nói. Đồng thời gợi ý có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án.



Theo ông Bùi Thanh Tùng (ĐB Hải Phòng), việc đề xuất xây dựng thêm 2 đường nối chưa được giải trình rõ, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng lên tới 136ha, kinh phí đầu tư dự án. Ông Tùng cũng bày tỏ băn khoăn rằng ACV vừa thực hiện đầu tư sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Cát Bi giai đoạn 2, cùng lúc phải huy động vốn cho nhiều dự án có thể dẫn tới nguy cơ kéo dài tiến độ.
Trường tiểu học Suối Trầu (xã Suối Trầu, huyện Long Thành, Đồng Nai) nằm trong quy hoạch giải tỏa làm sân bay Long Thành - Ảnh: A LỘC



Cảng hàng không lớn sẽ không bao giờ lỗ?



Giải trình rõ thêm tại buổi họp tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết việc đầu tư 2 tuyến đường bộ nếu tách riêng phải đến năm 2021 mới lập được dự án, nên sẽ chậm triển khai. Nếu giao cho ACV thực hiện sẽ đầu tư đồng thời với dự án sân bay Long Thành, nhà đầu tư cũng sẵn sàng bỏ ra 4.800 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, thi công đường.



Cũng theo ông Thể, ACV hiện đang là đơn vị duy nhất quản lý 21 sân bay trong nước, chưa có doanh nghiệp nào đủ điều kiện kinh nghiệm quản lý, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Hơn nữa, nếu tổ chức đấu thầu phải mất thêm một năm rưỡi, tức là đến năm 2022 mới khởi công, dẫn tới làm chậm trễ dự án.



Về tài chính, theo ông Thể, ACV đang có 25.000 tỉ đồng tiền mặt cùng với 10.000 tỉ các khoản phải thu hằng năm, nên đến năm 2025 ACV sẽ có khoảng 75.000 tỉ đồng. Còn lại hơn 2 tỉ USD, ACV đã báo cáo một số phương án và hiện đã có một số quỹ đầu tư, ngân hàng sẵn sàng cho vay lãi suất thấp mà không cần bảo lãnh Chính phủ do nhận thấy tiềm năng các cảng hàng không lớn sẽ "không bao giờ lỗ".



Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ KH-ĐT, chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước về dự án - yêu cầu Bộ GTVT cần xem xét, cân nhắc việc chỉ định thầu hay là tổ chức đấu thầu rộng rãi. Bởi vấn đề lo ngại đặt ra là ACV chưa có nhiều



kinh nghiệm, năng lực thiết kế, quản lý, thi công, vận hành với sân bay lớn hiện đại. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ tổng mức đầu tư dự án, tính toán chính xác tổng mức đầu tư để đảm bảo hiệu quả.



Diện tích đất giai đoạn 1 tăng mạnh



Theo báo cáo được Bộ GTVT trình bày, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư được kiến nghị là 111.689 tỉ đồng (4,779 tỉ USD). Dự án sẽ phân chia ra các hạng mục và công trình gồm trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của hàng không và công trình dịch vụ... được giao cho ACV đầu tư. Các công trình phục vụ quản lý bay giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư.



Tờ trình cũng cho biết ACV sẽ bố trí được 36.607 tỉ đồng (tương đương 1,566 tỉ USD), đồng thời đi vay khoảng 2,628 tỉ USD. VATM huy động 3.225 tỉ đồng, trong đó cân đối được 2.125 tỉ đồng, còn lại là vốn vay.



Ngoài ra, Chính phủ cũng kiến nghị điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165ha lên 1.810ha, điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối, giao cho ACV đầu tư với tổng chi phí là 4.802 tỉ đồng.


 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm