Cần Thơ 'loạn' khu dân cư tự phát

| 22-10-2019, 16:10 | Chính sách

Trong một thời gian ngắn, Cần Thơ đã phát sinh tới 148 khu dân cư tự phát. Việc xử lý các khu này đang là vấn đề 'đau đầu' đối với cơ quan quản lý.

Cần Thơ 'loạn' khu dân cư tự phát
Quận Cái Răng là một trong ba quận của TP Cần Thơ có số lượng khu dân cư tự phát tăng “nóng” thời gian qua - Ảnh: CHÍ QUỐC



Trong khi đó, người dân đã mua bán ở những khu dân cư này như "ngồi trên lửa".



Ra ngõ gặp... khu dân cư tự phát



Anh V. là người quê Bình Phước, lấy vợ nên anh dọn về TP Cần Thơ sinh sống. Anh cùng vợ mua căn nhà cấp 4 nằm trên thửa đất rộng chừng 80m2 tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều với giá gần 900 triệu đồng.



Dù biết rõ đây là đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất nhưng anh V. chọn liều rồi tính sau.



"Hiện nay chuyển đổi sang đất ở rất khó khăn. Nhưng giá trị của nó vẫn tăng chóng mặt, giờ tôi rao bán lại có nhiều người đến xem nhưng e ngại không dám mua" - anh V. nói.



Theo nhiều người, do nhu cầu về nhà ở và cả việc xây dựng quá dễ dãi nên đa số làm liều, tới đâu hay tới đó. Điển hình là dọc quốc lộ Nam Sông Hậu, đoạn thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng luôn dày đặc biển quảng cáo mua bán, ký gửi, thậm chí cho thuê nhà đất.



Sở hữu ít nhất 3 nền nhà, thuộc loại đất cây lâu năm tại phường Tân Phú, anh P.T.T. cho biết mua với giá 350 triệu đồng/nền cách đây vài năm, bởi anh T. biết trước dự án đường sắt tốc độ cao sẽ về đến đây.



Theo giới thiệu của anh T., chúng tôi gọi vào số điện thoại 094343xxxx của nhân viên Công ty cổ phần N.Đ.X (có trụ sở ở quận Cái Răng). Chừng 5 phút sau, một nam nhân viên xuất hiện và tư vấn các thủ tục mua bán lô nền tại khu tái định cư phường Tân Phú.



"Đây là đất tái định cư, nếu anh mua thì làm giấy tay với chủ và giữ cái thẻ số lô. Chừng 2-3 năm nữa mới được cấp sổ. Khu này giờ không còn giá bảy tám trăm triệu, mà chính xác là từ 1,2-1,4 tỉ đồng/nền" - nam nhân viên này nói.



Tại quận Bình Thủy, chúng tôi được "cò" đất giới thiệu một nền ở khu dân cư Thành Giao thuộc phường Long Tuyền. Dù thừa nhận là khu dân cư tự phát nhưng "cò" đất vẫn "tuyên bố" cứ mua, yên tâm, vì "mấy hôm trước tụi em còn giới thiệu nhà đầu tư vô đây mua và xây nhà rồi".



Tình hình cũng tương tự tại phường Long Hòa thuộc quận Bình Thủy. Ông Mai Văn Điều - chủ tịch UBND phường Long Hòa - cho biết sau khi nhiều cán bộ nhận án kỷ luật, phường đã bắt tay vào việc dẹp loạn tại các khu dân cư tự phát.



Theo thống kê sơ bộ, phường Long Hòa có hơn 30 khu dân cư tự phát, tự ý tách thửa, tự làm đường đi với 21 trường hợp vướng nhiều sai phạm.



"Quá trình thuyết phục, hiện có 4 trường hợp đã đồng ý tự khắc phục sai phạm bằng cách tháo dỡ công trình. Còn các trường hợp khác đang tiếp tục thuyết phục, nếu không khắc phục thì cuối tháng phường bắt đầu áp dụng biện pháp cưỡng chế" - ông Điều nói.



Ngoài ra, hiện UBND phường Long Hòa còn treo băngrôn và biển cảnh báo ngay tại các khu dân cư tự phát với nội dung: "Cảnh báo vị trí phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp chưa được cơ quan chức năng phê duyệt. Hành vi tự ý chuyển nhượng, xây dựng trái phép sẽ bị cưỡng chế, phá dỡ".



"Tuýt còi" quá muộn



Từ năm 2018, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc và thời điểm đó đã xác định được 113 khu dân cư tự phát. Sau đó, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ, không để phát sinh khu nào mới.



Tuy nhiên, cập nhật tới hiện tại, TP Cần Thơ đã tăng thêm vài chục khu dân cư như vậy nữa và đang "đau đầu" chuyện xử lý.



Ông Nguyễn Văn Sử, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ, thừa nhận thời gian qua trên địa bàn TP đã hình thành hàng loạt khu dân cư tự phát. Trước thực trạng này, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo thành lập một tổ công tác do Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì tiến hành triển khai kiểm tra các khu dân cư tự phát trên địa bàn (tiến hành từ ngày 9-6-2019).



Qua rà soát, đến nay trên địa bàn TP có 148 khu dân cư tự phát. Sau khi rà soát sẽ đối chiếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành và địa phương sẽ có đề xuất xử lý.



"Khu nào phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành thì cho tồn tại. Còn không phù hợp, chưa phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì phải xử lý.



Chậm nhất là trong tháng 10 sẽ có báo cáo hướng xử lý cụ thể với các khu này. Nói chung là phải giải quyết dứt điểm sớm nhất. Và chúng tôi sẽ cùng với địa phương kiểm soát chặt chẽ từ đây về sau khu dân cư tự phát không còn xuất hiện nữa" - ông Sử nói.



Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP Cần Thơ):



Do buông lỏng quản lý



Xuất phát từ nhu cầu cấp bách về chỗ ở hoặc đối với người có điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên không thể tiếp cận những khu dân cư đã được quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định. Từ lý do trên nên từ chỗ có "nhu cầu" ắt sẽ có "cung cấp", do đó dẫn đến sai phạm có hệ thống từ nhà đầu tư, người có nhu cầu sử dụng và cơ quan quản lý nhà nước.



Tuy nhiên, khi phát hiện sai phạm, cơ quan quản lý tại địa bàn thiếu quyết liệt như: nhắc nhở, buộc khôi phục tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ, xử phạt vi phạm hành chính, trình tự thủ tục về việc cưỡng chế tháo dỡ còn phải qua nhiều cơ quan phối hợp nên sẽ mất nhiều thời gian và các vấn đề phát sinh khác.



Mặt khác, không thể không nói đến một số bộ phận chuyên trách có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý, thậm chí có động cơ vụ lợi cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Từ đó để xảy ra tình trạng "phá nát" quy hoạch tổng thể của địa phương dẫn đến nhiều hệ lụy.


 

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm