Đối thoại bất thành giữa dân và doanh nghiệp bán đất

| 3-10-2019, 15:00 | Chính sách

Sau cuộc đối thoại kéo dài nhiều giờ đồng hồ, khoản nợ hơn 400 tỉ đồng của CIC8 Cần Thơ vẫn chưa có hướng ra.

Đối thoại bất thành giữa dân và doanh nghiệp bán đất
Khu đô thị mới Hưng Phú và nỗi bức xúc của người dân trong buổi đối thoại. Ảnh: H.DƯƠNG - N.GIAO



Sáng 2-10, tại UBND phường Hưng Thanh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 8 (CIC8) cùng Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn đã tổ chức đối thoại với hàng trăm người dân mua đất. Mục đích cuộc đối thoại để lấy ý kiến việc bán đấu giá khoản nợ là tài sản đảm bảo do CIC8 thế chấp tại ngân hàng. Tài sản bị thế chấp chính là lô số 49 thuộc dự án khu đô thị mới Hưng Phú Cần Thơ của CIC8.



Thế chấp giấy đỏ trước hay sau khi bán đất cho dân?



Sở dĩ có buổi đối thoại này là do trong lô số 49 có nhiều nền đất CIC8 đã bán cho người dân để xây nhà, vào ở được hơn 10 năm nhưng chưa được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ). Trong khi đó, phía CIC8 lại thế chấp lô 49 này làm tài sản đảm bảo khoản vay tại ngân hàng trên. Để giải quyết nợ và có phương án đầu tư tiếp, CIC8 đưa ra phương án bán nợ nhưng các chủ đất đều phản đối vì lo lắng tài sản của mình sẽ bị phát mại.



Phương án của CIC8 là người trúng đấu giá sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã mua nhà, đất tại dự án; giải chấp toàn bộ tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ lập thủ tục cấp giấy đỏ cho khách hàng; không phát mại tài sản nhà, đất khách hàng đã mua, không thu thêm tiền ngoài nội dung hợp đồng mua bán, chuyển nhượng góp vốn công ty đã ký với khách. Người trúng đấu giá có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của công ty liên quan đến dự án lô số 49 (hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các nghĩa vụ khác theo quy định về đầu tư xây dựng dự án khu đô thị).



Tuy nhiên, người dân tỏ ra không tin tưởng CIC8 và cho rằng việc bán đấu giá khoản nợ nhưng lấy tài sản của họ để đảm bảo là không phù hợp. Ông Huỳnh Văn Hiệu, một khách hàng, bức xúc: “Công ty đã hứa nhiều lần nhưng hơn 10 năm nay chúng tôi vẫn chưa có giấy. Hạ tầng chưa xong chúng tôi còn phải tự bỏ tiền ra làm. Việc bán đấu giá nợ này chỉ có lợi cho công ty và ngân hàng chứ không có lợi gì cho dân”.



Ngoài ra, người dân còn đặt câu hỏi về tính hợp pháp trong việc cho vay thế chấp giữa CIC8 với ngân hàng và trách nhiệm của ngành chức năng. “Xin ngân hàng cho biết việc công ty mang giấy đỏ đi thế chấp khi nào? Nếu trước khi bán cho dân thì tôi sẽ tố cáo công ty lừa đảo, nếu sau khi bán thì việc ngân hàng cho vay thế chấp tài sản cá nhân mà không có sự đồng ý của chúng tôi thì có đúng quy định không? Đề nghị làm rõ trách nhiệm của trung tâm đăng ký đất đai khi ký xác nhận để công ty vay thế chấp như vậy” - khách hàng Ngô Hồng Anh kiến nghị.



Tại buổi đối thoại, người dân phản ánh dự án này phía công ty đưa ra con số nợ 500 giấy đỏ nhưng con số thực tế có thể gấp 2-3 lần. Đến nay chỉ có công ty biết chính xác số giấy đỏ họ nợ dân là bao nhiêu và thực tế họ còn bao nhiêu diện tích đất trong dự án này. Bà Lý Thị Thu Thủy bức xúc: “Đề nghị công ty cho biết có bao nhiêu lô nền công ty bán cho nhiều người? Theo báo chí đưa tin, có người đang ở thì nhà bị đem phát mại, làm sao chúng tôi biết mình có bị như vậy không?”.



Tranh cãi không có hồi kết



Tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Đức Phước, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CIC8, cho rằng việc bán đấu giá khoản nợ là giải pháp cuối cùng và tối ưu nhất hiện nay để công ty lấy giấy đỏ trả về cho dân. Ông Phước khẳng định: “Việc mua bán khoản nợ là đúng quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích của ba bên. Sau khi mua bán nợ xong, công ty sẽ có hợp đồng hợp tác đầu tư tiếp tục với chủ đầu tư mới, nêu rõ tất cả yêu cầu, đảm bảo lợi ích của bà con”.



Đáp lại, người dân vẫn không đồng tình. Ông Đoàn Hòa Minh, một người dân chưa được giao giấy đỏ, nói: “Tôi đề nghị công ty phải cam kết thời gian hoàn thành việc cấp giấy cho dân và ngân hàng phải bổ sung điều khoản này vào quy chế bán đấu giá”.



Trước yêu cầu này, ông Phạm Chu Kỳ, đại diện Ngân hàng NN&PTNT, đưa quan điểm: “Ngân hàng bán đấu giá khoản nợ với tư cách là chủ nợ, còn cam kết người dân nêu là nghĩa vụ của CIC8, ngân hàng không có trách nhiệm đối với phần nghĩa vụ công ty với người dân nên không thể đưa cam kết đó vào quy chế đấu giá nợ này”.



Câu hỏi về tính hợp pháp khi ngân hàng cho CIC8 vay thế chấp bằng tài sản là bất động sản trên không được vị đại diện này trả lời. Ông Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Đề nghị ngân hàng lọc ra lô đất nào công ty chưa bán thì lấy làm tài sản đảm bảo chứ chúng tôi không đồng ý việc lấy tài sản của tôi làm tài sản đảm bảo bán đấu giá khoản nợ của CIC8”.



Khi buổi đối thoại càng lúc càng không có tiếng nói chung, người dân đã yêu cầu chính quyền địa phương lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho rằng quận chỉ được mời đến dự để nghe ý kiến của các bên và không có ý kiến gì về việc bán đấu giá này. Cuộc đối thoại kéo dài nhiều giờ đồng hồ cuối cùng vẫn không đi đến thống nhất chung giữa các bên.



Ngày 1-10, tại buổi họp báo quý III của UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết Sở đã cấp 743 giấy đỏ cho CIC8. Công ty đã chuyển cho tổ chức, cá nhân 520 giấy, còn lại thế chấp ngân hàng. Sau khi người dân quyết liệt khiếu nại và TP đã giao cho các ngành liên quan xem xét thì qua làm việc, ngành TN&MT đã rút ra 118 giấy trả cho dân, còn lại 102 giấy đang đề nghị ngân hàng phải rút ra để trả cho người dân.


 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm