TP. Hồ Chí Minh: Quyền lợi của người dân bị bỏ ngỏ khi hủy dự án "treo"

| 23-12-2020, 04:55 | Chính sách

UBND TP.HCM có trách nhiệm phải công bố công khai việc hủy dự án 'treo' để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

TP. Hồ Chí Minh: Quyền lợi của người dân bị bỏ ngỏ khi hủy dự án "treo"

Nhà cửa ven QL13 (Q.Thủ Đức, TP.HCM) xập xệ do vướng lộ giới dự án nâng cấp, mở rộng QL13

Theo nghị quyết của HĐND TP.HCM về hủy bỏ 61 dự án (DA), UBND TP.HCM có trách nhiệm phải công bố công khai việc hủy bỏ thu hồi đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; đồng thời chỉ đạo sở, ngành phối hợp quận, huyện tiếp tục rà soát các DA không triển khai, chậm triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời theo quy định.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, thông tin trong nhiệm kỳ qua, có gần 1.000 DA được phê duyệt theo thẩm quyền của HĐND TP.HCM hoặc UBND TP.HCM. Đến nay, HĐND TP.HCM mới hủy bỏ 61 DA, cùng với 108 DA do UBND TP.HCM hủy bỏ do chậm triển khai, là khoảng 169 DA. Do vậy, ông Nhựt đề nghị tiếp tục rà soát các DA còn lại để xử lý, đảm bảo quyền lợi người dân, doanh nghiệp, nhà nước.

Theo ông Nhựt, quy hoạch bắt buộc phải có để phục vụ phát triển đô thị. Nếu không có quy hoạch thì người dân sẽ được một lợi ích khi xây dựng nhà cửa, công trình; nhưng về tổng thể thì không có lợi cho cộng đồng, không có quy hoạch sẽ khiến bộ mặt đô thị mất cân đối, nham nhở. Trên nền quy hoạch, TP.HCM kêu gọi đầu tư hoặc nhà đầu tư đăng ký đầu tư DA để phát triển đô thị là điều khuyến khích, nhưng nếu không thực hiện đúng quy định thì phải thu hồi. “Nếu anh không có đủ năng lực thì buộc chính quyền phải thu hồi để tìm nhà đầu tư có năng lực, thực hiện DA theo quy hoạch”, ông Nhựt nói.

Cũng theo ông Nhựt, việc hủy bỏ DA bên cạnh trả lại quyền lợi cho người dân, cũng là cơ hội để đánh giá lại công tác lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian qua. Bởi nếu chọn phải nhà đầu tư không có năng lực, kinh nghiệm thì DA không thể triển khai, quyền lợi người dân bị kìm hãm mà nhà nước cũng không thu lợi được gì.

Về các công việc cụ thể sau khi hủy bỏ DA “treo”, ông Nhựt cho rằng điều người dân quan tâm nhất là quyền lợi của họ được khôi phục như thế nào, có được xây dựng mới, sửa sang nhà cửa ra sao. Đây là trách nhiệm của chính quyền, mà cụ thể là UBND quận, huyện và sở ngành liên quan phải công bố rõ sắp tới, người dân có thể làm gì trên mảnh đất của họ làm chủ sở hữu. Ông Nhựt đánh giá việc làm rõ quyền lợi người dân có ý nghĩa quan trọng, bởi nếu người dân “tù mù” thông tin, họ sẽ xây dựng hoặc sửa sang không đúng quy định pháp luật, đến lúc đó chính quyền đi xử lý thì lãng phí tài sản người dân, mà chính quyền cũng mất công sức.

“Việc phục hồi quyền lợi cũng thể hiện sự sòng phẳng của chính quyền với người dân khi DA không triển khai. Nó là cơ sở để sau này khi tìm được nhà đầu tư, nhà nước có thu hồi đất để triển khai thì người dân cũng có niềm tin và đồng thuận với DA đó”, ông Nhựt nói thêm.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm